'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao?

'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao?
TPO - Sau hành trình “vô tiền khoáng hậu” từ Việt Nam lưu lạc sang tận Pakistan trong 18 tháng với hơn 7.000 cây số đi bộ, "thánh phượt" Vừ Già Pó (Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) giờ ở nhà chăn nuôi bò kiếm tiền nuôi con ăn học...  

Nhân chuyến công tác lên Khâu Vai, chúng tôi tìm đến nhà "thánh phượt" Vừ Già Pó. Thấy khách đến thăm, Vừ Già Pó vội lấy cái áo đã cũ khoác lên người. Trong nhà có một tấm pano ghi lại các dấu mốc trong hành trình lưu lạc vô tiền khoáng hậu của anh. 

Sau khi được giúp đỡ về nước năm 2014, vợ chồng anh đã có thêm một con trai sinh năm 2015. Hiện tại, cu cậu đã hơn 2 tuổi.

 “Giờ không dám đi nữa. Sợ lắm. Về được đến nhà là tốt lắm rồi”, Vừ Già Pó nói sau khi lấy ống điếu làm một hơi thuốc lào. 

'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao? ảnh 1

Anh Vừ Già Pó trao đổi với phóng viên Tiền Phong

Đến bây giờ, anh Pó vẫn lắc đầu ngao ngán nhớ về đợt sang Trung Quốc lao động trái phép. Anh kể, sang bên kia biên giới cũng làm công việc trồng cây, phát rừng, vác xi măng, bón cây.

“Làm thì vất vả nhưng ăn uống khổ cực, hay bị đánh nên tôi mới bỏ chạy, chạy rồi mới bị lạc. Lúc đầu không biết bị lừa, sang bên kia làm vất vả, mệt lắm”, anh Pó nhớ lại.

Anh Pó cho biết, sau khi trở về, mỗi dịp họp thôn thì lãnh đạo xã đều mời đi cùng để kể lại câu chuyện, hành trình của mình cho người dân biết sợ mà tập trung lao động ở quê hương, nếu muốn sang đó thì cũng phải làm giấy tờ hợp pháp.

“Ở nhà chịu khó làm, dù chỉ đủ ăn vẫn tốt hơn, lại gần gia đình. Sang bên kia bị đối xử không được tốt”, anh Pó nói.

'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao? ảnh 2

Anh Pó và cậu con trai út được sinh sau khi anh trở về từ Pakistan

Sau khi được giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Vừ Già Pó giờ ở nhà chăn nuôi bò, làm kinh tế để cho các con ăn học. “Tôi vừa được vay 60 triệu nuôi bò vỗ béo. Nhà có khoảng 7 – 8 con. Không có nghề gì làm thì cũng phải vay vốn để làm ăn thôi”, anh Pó nói.

Không chỉ tuyên truyền cho nhân dân, anh Vừ Già Pó cũng định hướng tương lai cho các con. Anh Pó bảo, đợi các con lớn, cho ăn học đến hết lớp 9, lớp 12 thì lên xã tư vấn cho đi học nghề, rồi về làm thuê cho các công ty ở trong nước chứ không sang bên Trung Quốc nữa.

'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao? ảnh 3

 Đến giờ, anh Pó vẫn sợ khi nhớ đến cảnh lao động chui ở Trung Quốc

“Làm ở Việt Nam thì ốm đau, có vấn đề gì các công ty, nhà nước mình còn quan tâm, còn chữa cho chứ bên kia ốm đau thì cũng không biết gì. Nếu các con đi làm thì cũng chỉ đi làm ở Việt Nam thôi”, anh Pó khẳng định.

Để kiếm thêm tiền lo cho các con, Vừ Già Pó dự định ngoài nuôi bò sẽ trồng thêm một ít cây ăn quả như cam, chanh. "Bò thì sẽ tiếp tục nuôi và nuôi nhiều hơn nữa", anh Pó nói.

'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng lưu lạc sang Pakistan giờ ra sao? ảnh 4 Anh Pó chăn nuôi bò để có tiền nuôi con ăn học
Anh Pó cũng cho rằng, việc nuôi bò thì chỉ lấy công làm lãi, chứ nếu còn khỏe, còn trẻ và có trình độ, anh sẽ đi làm công ty để kiếm tiền. "Làm công ty thì ngày nào cũng có tiền, thu nhập đều. Nuôi bò không lãi bằng việc đi làm ở công ty", anh Pó cười.

Cuối năm 2011 anh Vừ Già Pó đi lao động trái phép sang Quảng Đông, Trung Quốc. Khoảng tháng 3/2012, anh trốn khỏi nhà chủ, đi bộ ròng rã gần 18 tháng, băng qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc, vào biên giới và ngang qua miền trung Myanmar tới bang Manipur (Ấn Độ) rồi đến Bangladesh.

Anh tiếp tục vào Ấn Độ ở Đông Bengal, rồi bang Orissa (hay còn gọi là Odisha). Anh tiếp tục đi cắt ngang qua miền trung Ấn Độ tới tận phía tây của đất nước này (thành phố Mumbai).

Từ đó anh ngược lên phía bắc đến tận chân dãy Himalaya ở Himachai Pradesh rồi tiếp tục hướng tây bắc lên Jammu & Kashmir cho tới khi vào đất Pakistan bị quân báo nước này bắt vào khoảng tháng 9/2013.

Tổng quãng đường anh di chuyển khoảng 7.300 km. Sau khi được các cơ quan chức năng Việt Nam đưa về, anh được cộng đồng mạng và báo chí đặt cho biệt danh là “thánh phượt”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.