Sáng nay (2/10), Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở". Hội thảo là sự kiện điểm nhấn quan trọng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024.
Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" sẽ đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý đô thị, xử lý các vấn đề kỹ thuật công nghệ, hành lang pháp lý. Xây dựng thành phố thông minh không chỉ vấn đề công nghệ, kỹ thuật mà còn là vấn đề về thể chế, luật pháp và thay đổi hành vi trong phương thức quản lý, nhất là ở thành phố Hà Nội có quy mô lớn về kinh tế, dân cư.
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ giải đáp những thắc mắc và hiến kế cho thành phố về xây dựng chính sách phát triển theo đúng định hướng chính quyền đô thị và thành phố thông minh. Hy vọng sự tham gia thảo luận của các chuyên gia liên quan quản lý đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông thông minh và các đơn vị, doanh nghiệp… sẽ mang lại nội dung bao quát, hiệu quả, cụ thể với Thủ đô Hà Nội.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
02/10/2024 09:20
Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Ngày thẻ Việt Nam 2024 - vui mừng chào đón quý lãnh đạo, quý đại biểu về dự Hội thảo “Hà Nội - thành phố thông minh và Hệ sinh thái mở”.
Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh, đây là hoạt động chuyên môn được ban tổ chức chuẩn bị công phu, trăn trở từ việc chọn chủ đề đến đặt tham luận chất lượng từ các nhà quản lý, các chuyên gia, ngân hàng, đại diện trường đào tạo… nhằm tham góp tiếng nói xung quanh các vấn đề thể chế, chính sách, hành lang pháp lý, thực tiễn sinh động của đời sống.
Nhà báo Phùng Công Sưởng. |
Theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Ngày thẻ Việt Nam 2024 đánh dấu lần đầu tiên UBND TP. Hà Nội tham gia với vai trò đồng chỉ đạo Hội thảo “Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở”.
“Sở dĩ ban tổ chức đưa câu chuyện Hà Nội xây dựng thành phố thông minh là bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đã tiên phong xây dựng thành phố thông minh từ nhiều năm trước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị gần đây được thể hiện qua Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Sưởng nói.
Ông Sưởng thông tin, sau 3 mùa tổ chức thành công, Ngày thẻ Việt Nam 2024 luôn kiên định tiêu chí tiếp cận và lan tỏa những công nghệ thanh toán tiên tiến nhất, tiệm cận xu hướng thế giới. Vì thế, tại hội thảo lần này, khái niệm “hệ sinh thái ngân hàng mở” còn rất mới mẻ ở Việt Nam được ban tổ chức làm khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đặt tham luận chuyên sâu của lãnh đạo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cùng các chuyên gia, ngân hàng tiên phong.
Ông Phùng Công Sưởng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Ngân hàng mở (Open Banking) là xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, ngân hàng mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba. Ban tổ chức nhận thấy, đây là một trong những nội dung quan trọng giúp Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh, bởi lãnh đạo thành phố xác định lấy người dân làm trung tâm, hướng đến người dân để tạo dựng được thành phố thông minh bền vững, phát triển.
“Chuyển đổi số, cách mạng 4.0 và đặc biệt là sự can dự của Chat GPT khiến các thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được những bước tiến vượt trội trong thời gian ngắn. Vì vậy, Ban tổ chức Ngày thẻ Việt Nam kỳ vọng các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp ngồi lại để nhận diện bức tranh tổng thể, nhìn rõ nút thắt về cơ chế và các vấn đề trong thực tiễn xung quanh băn khoăn về bảo mật, quản lý dữ liệu... từ đó đề xuất được những giải pháp căn cơ, thiết thực”, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu.
02/10/2024 09:35
Chuyển đổi số là chìa khóa để Hà Nội phát triển
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội:
Phát biểu tại sự kiện, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở", diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đây là một sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, là dịp để cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hệ sinh thái ngân hàng mở; đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, từ ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần. Qua đó, Hà Nội đã không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tổng kết, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban; Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Bộ Chính trị và Quốc hội cho ý kiến, thành phố đang trình Chính phủ.
Giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Hà Minh Hải, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng, với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại - phương thức sản xuất số”.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
02/10/2024 09:56
Thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Hội thảo ngày hôm nay trong chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị chào đón một sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 10/10/2024). Đặc biệt, sự tham gia của lãnh đạo TP. Hà Nội ngày hôm nay đã thể hiện sự quan tâm đối với ngành ngân hàng nói chung và sự kiện Ngày thẻ Việt Nam của Báo Tiền Phong nói riêng.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Tại hội thảo này sẽ thấy một bức tranh Hà Nội mới, phát triển và hiện đại theo đúng mục tiêu hướng tới mô hình thành phố thông minh, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Bên cạnh đó là bức tranh riêng khác của ngành ngân hàng, bức tranh về hệ sinh thái ngân hàng mở. Có thể nói, đây là một khái niệm tương đối mới.
Dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nên tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triên một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.
Với chủ đề thành phố thông minh, trong hội thảo gần đây tại Đà Nẵng có một tiến sĩ nói về thành phố thông minh và quan điểm thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số. Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.
02/10/2024 10:34
Hệ thống giao thông thông minh Hà Nội
Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội:
Chuyển đổi số trong quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội đang được đẩy mạnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội là tăng cường áp dụng công nghệ hệ thống giao thông thông minh (ITS) để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.
Bà Trần Thị Phương Thảo. |
Thời gian qua, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn Thành phố đã bước đầu hình thành bao gồm: 2 tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã đi vào hoạt động; 11 tuyến buýt nhanh BRT và 152 tuyến buýt (trong đó có 10 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch khí CNG).
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho hành khách và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó phải kể đến như: Thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức; Phần mềm giám sát hành trình (GPS); Ứng dụng Busmap; Thí điểm hệ thống giao thông thông minh. Trong đó có các dự án trọng điểm như: Thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông; về phần mềm giám sát hành trình xe buýt (GPS) tại các đơn vị xe buýt; Đối với việc ứng dụng thông tin cho hành khách.
Trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổng kết, đánh giá giai đoạn thí điểm và đề xuất triển khai chính thức hệ thống vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới và giai đoạn 1 của hệ thống giao thông thông minh từ năm 2025; tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý hệ thống vận tải hành khách công cộng, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
02/10/2024 10:39
Sự phát triển bùng nổ của mã VietQR
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas:
Theo số liệu của cơ quan chức năng, về hạ tầng thanh toán bán lẻ cho thành phố thông minh, so với cùng kỳ năm 2023, trong 7 tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị); qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt 42,08 triệu tỷ đồng (tăng 49,83% về số lượng và 33,72% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt 41,09 triệu tỷ đồng (tăng 59,09% về số lượng và 37,97% về giá trị), giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị).
Ông Nguyễn Hoàng Long. |
Giao dịch qua ATM, POS giảm, người dân tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu qua hệ thống NAPAS cho thấy, sự phát triển bùng nổ của mã VietQR trở thành phương thức được người dân lựa chọn như một thói quen thanh toán tiêu dùng hàng ngày, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
Số lượng giao dịch VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp hơn 1000 lần so với năm 2021. Năm 2023 có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022 (khoảng 5.9 triệu mã).
Bên cạnh VietQR, dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 cũng tăng mạnh qua các năm, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, phản ánh rõ nét sự chuyển dịch từ nhu cầu thanh toán tiền mặt bằng các dịch vụ thanh toán thông minh trong các hoạt động thường ngày.
Sắp tới, Napas sẽ nâng cấp dịch vụ QR, khách hàng có thể dùng thẻ tín dụng nội địa để thanh toán QR.
Với dịch vụ công, Napas đã tích hợp thanh toán thông minh vào cổng dịch vụ công quốc gia, VNEID, thanh toán hồ sơ bằng các phương thức không tiền mặt. Khách hàng thực hiện ngay trên phần mềm dịch vụ công quốc gia, hay thành phố.
Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục chú trọng phát triển mở rộng hệ sinh thái thanh toán số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
02/10/2024 10:45
80% người Việt có tài khoản thanh toán điện tử
Ông Trần Văn Thành - Phó Trưởng Phòng phát triển kênh số và đối tác Vietcombank:
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế phổ biến mà còn là yêu cầu tất yếu với mỗi thành phố, mỗi quốc gia với ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Với định hướng của Chính phủ đến năm 2030, Việt nam vào nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên phương tiện điện tử khác nhau, 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các thành phố trọng điểm, cần tập trung cho hành trình chuyển đổi số để đạt được mục tiêu đề ra.
Vietcombank là ngân hàng tiên phong gây dựng nền móng cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt với những thành tựu dẫn đầu trên thị trường.
Ông Trần Văn Thành. |
Tính đến tháng 7/2024, Vietcombank có hơn 26 triệu khách hàng cá nhân, trong đó hơn 50% sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử với tỷ trọng giao dịch trên kênh số đạt hơn 97%, đồng thời là ngân hàng dẫn đầu với 18 triệu thẻ nội địa và quốc tế, hơn 130.000 đơn vị chấp nhận thanh toán trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ. Các sản phẩm dịch vụ thanh toán của Vietcombank luôn được đa dạng hóa, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới theo tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.
Thành phố thông minh được định nghĩa là một khu vực đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cùng các cảm biến điện tử để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Trong đó, các giải pháp thông minh cho tiện ích đô thị được coi yếu tố cơ bản xuyên suốt, đặc biệt, thanh toán số sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó. Thanh toán số hiện diện trong mọi lĩnh vực từ các dịch vụ thiết yếu như: Giao thông thông minh, y tế số, giáo dục số, dịch vụ tiện ích, dịch vụ hành chính công trực tuyến đến ngành bán lẻ, du lịch thương mại…
Năm 2023, Vietcombank đã triển khai giải pháp thanh toán số toàn diện cho Bộ Công An áp dụng cho việc thu các loại phí, lệ phí cho cả người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài khi sử dụng dịch vụ trực tuyến của quốc gia.
02/10/2024 10:54
Hà Nội cần làm để trở thành đô thị thông minh?
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - trao đổi về xu hướng phát triển đô thị thông minh trên thế giới và những việc Hà Nội cần làm để trở thành đô thị thông minh:
Từ rất lâu rồi, xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt khi bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số. Ngành ngân hàng là 1 trong 3 lĩnh vực đứng đầu trong chuyển đổi số, 2 lĩnh vực còn lại là ngành viễn thông và hàng không.
Cách đây 40 năm, khi ra nước ngoài học tập, công tác, rất ngỡ ngàng khi thấy thành tựu ứng dụng công nghệ ở ngành ngân hàng, mơ ước một ngày nào đó ở Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Thời điểm đó, thẻ ATM ngân hàng “là rất ngạc nhiên”.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Ngành ngân hàng, viễn thông, hàng không của Việt Nam đã tiệm cận, sánh ngang với mức phát triển trên thế giới. Ngành ngân hàng ở Việt Nam hầu hết là “tự nghiên cứu, tự đổi mới, tự chuyển đổi số” trên định hướng, đề án phát triển của Ngân hàng Nhà nước.
Công cuộc chuyển đổi số đối với các đô thị, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình phức tạp, nếu thành công sẽ đem lại sức sống mới cho đô thị. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn, là một “mega city” với hơn 10 triệu dân, tốc độ phát triển rất nhanh, đặt ra các vấn đề điều hành, quản lý theo xu hướng thông minh.
Dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố. Đó là thách thức, nhưng tôi tin Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh.
02/10/2024 11:00
Đã trình Đề án giao thông thông minh
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai những giải pháp thông minh nào, để tích hợp dữ liệu giao thông của thành phố, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông?
Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội: Hiện nay đơn vị đã trình Đề án giao thông thông minh, theo 3 giai đoạn, trong đó có việc hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh năm 2025; đề xuất 9 chức năng và đầu tư các thiết bị thông minh.
Bà Trần Thị Phương Thảo. |
Trung tâm tâm điều hành giao thông thông minh sẽ hoạt động trên cơ sở học hỏi kĩ thuật hiện đại của các nước tiên tiến, đảm bảo phù hợp với Luật Giao thông đường bộ để đưa ra lộ trình điều tiết giao thông phù hợp, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc.
Hiện tại, theo danh mục dữ liệu mở năm 2025 về giao thông, TP. Hà Nội sẽ tích hợp dữ liệu về các tuyến đường nội đô, các điểm đỗ xe, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, hệ thống đèn đường, biển báo, danh sách các tuyến đường cấm trên địa bàn thành phố.
Riêng trong năm nay, thành phố đã chỉ đạo tích hợp dữ liệu giao thông lên ứng dụng iHaNoi (công dân Thủ đô số), và được người dân cài đặt rất nhiều. Qua đó người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với cơ sở dữ liệu giao thông của thành phố.
02/10/2024 11:05
Tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân
Ông Đỗ Văn Hợp - Phó Giám đốc khối BFSI, đại diện Tập đoàn CMC - chia sẻ về giải pháp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân.
Đề xuất tạo nền tảng công nghệ và ứng dụng dịch vụ công dành cho người dân; cung cấp dịch vụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân; tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân; thu thập và phân tích dữ liệu để tăng cường tính minh bạch về thông tin dữ liệu.
02/10/2024 11:17
Dự án nào hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố thông minh?
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas:
Đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Hoàng Long. |
Hiện nay, Napas đang đẩy mạnh số hoá, thanh toán qua điện thoại di động: Chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng thanh toán các dịch vụ, kể cả dịch vụ công. Napas hợp tác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ứng dụng VnEid… Các dịch vụ công như cấp phiếu lý lịch tư pháp có thể triển khai qua ứng dụng VnEid và thanh toán phí qua ứng dụng Napas trên điện thoại di động, từ nguồn tiền thẻ, tài khoản…
Cùng với đó, Napas đang đẩy mạnh tích hợp số hoá trên điện thoại di động; tích hợp thẻ trên điện thoại di động, hướng tới việc sử dụng điện thoại di động để “thanh toán thông minh” nhiều dịch vụ.
Hiện chúng tôi đang thí điểm thanh toán vé xe điện Vinbus; đang tiếp tục đề xuất phối hợp mở rộng thanh toán với các tuyến xe buýt khác, các điểm giao thông công cộng, hướng tới phục vụ người dân “thanh toán thông minh” khi sử dụng dịch vụ.
Bà Đoàn Hồng Nhung - thành viên ban điều hành, Giám đốc khối Bán lẻ, Ngân hàng Vietcombank:
Hiện đã có nhiều giải pháp liên quan đến dịch vụ công, thanh toán tiện ích, ischool, học phí, viện phí. Hiện nhân viên xe bus sử dụng QR trên mobile cho khách hàng thanh toán không cần vé giấy. Vietcombank đề xuất giải pháp mobileking phát hành thẻ dư nợ để tích hợp dịch vụ này, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch của khách hàng.
Bà Đoàn Hồng Nhung. |
Vietcombank đang phối hợp nhiều hoạt động với Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), trong đó có ứng dụng dữ liệu cá nhân trong các hoạt động thanh toán giao thông thông minh không dùng tiền mặt. Tới đây tiên phong trong việc gửi xe, đỗ xe không dùng tiền mặt. Những thay đổi nhỏ nhưng mang lại chuẩn 2S là sạch và số như Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Hiện nay thành phố dùng QR để trả phí đỗ xe nhưng thời gian tới nên dùng VNeID thì tốt hơn.
02/10/2024 11:29
Xác thực sinh trắc học giúp giảm tỷ lệ lừa đảo ngân hàng
Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an - đề cập tới việc chuyển đổi số phục vụ người dân trong thời gian qua, kế hoạch thời gian tới:
Thời gian qua, C06 thực hiện chú trọng phát triển hạ tầng thông tin viễn thông. Quốc hội, chính phủ đã ban hành nghị quyết chỉ định chỉ đạo triển khai căn cước công dân.
Thiếu tá Trần Duy Hiển. |
Từ năm 2020, C06 đã triển khai thành cơ sở dữ liệu công dân và dữ liệu thẻ căn cước. Chúng tôi đã triển khai cấp định danh được hơn 104 triệu dữ liệu toàn dân. C06 cũng đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu căn cước công dân. Đến nay, đã cấp được trên 84 triệu căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Từ ngày 1/7, Luật Căn cước có hiệu lực, C06 đã mở rộng đối tượng cấp căn cước công dân cho công dân từ 0-6 tuổi, từ 6 -14 tuổi.
Về ứng dụng với Ngân hàng Nhà nước, từ nền tảng kho dữ liệu dân cư, kho dữ liệu căn cước, đặc biệt trong kho dữ liệu căn cước, C06 sử dụng 3 dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay, khuôn mặt. Căn cứ từ kho dữ liệu hiện có, C06 sẽ phối hợp triển với các đơn vị.
C06 cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai 3 mục tiêu, trong đó triển khai làm sạch dữ liệu công dân, ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp. Việc mở thẻ hiện nay rất thuận lợi với công dân. Công dân chỉ cần có nhu cầu, ngân hàng và hệ thống dữ liệu công dân sẽ phối hợp thực hiện.
Đề nghị các ngân hàng sớm kết nối với C06 để triển khai các hoạt động điện tử trong các giao dịch ngân hàng. Có thể nói, sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm 70%.
02/10/2024 11:56
Xu thế ngân hàng mở
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước:
Trong xu thế ngân hàng mở của những năm gần đây, chiến lược của các ngân hàng hiện nay là mở rộng, phát triển những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau.
Thực tế thị trường cho thấy Việt Nam mặc dù chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Các ngân hàng thời gian qua đã triển khai các Cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal…
Ông Phạm Anh Tuấn. |
Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức… các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như gọi xe/gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch....
Mặc dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu thách thức về tiêu chuẩn chung.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và có thể hướng tới tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thông tư về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Open API) và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.
02/10/2024 12:01
8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt trong 6 tháng
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch Quản lý kinh doanh, Tổ chức thẻ Mastercard:
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng mở. Ngân hàng mở thực sự trao quyền cho người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản tài chính của họ một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Ngân hàng mở sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản, thẻ tín dụng và các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số trong một giao diện người dùng duy nhất. Người tiêu dùng có thể thanh toán trực tiếp thông qua dịch vụ họ đang sử dụng mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán khác nhau.
Ông Nguyễn Quốc Huy. |
Về lợi ích với vác bên tham gia, ngân hàng mở tái định hình ngành tài chính, trở thành xu hướng của tương lai. Sự chia sẻ giữa các bên, hình dung về khách hàng tốt hơn, Ngân hàng mở sẽ có lợi thế để thúc đẩy doanh số, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tăng khả năng giữ chân khách hàng nhờ nhanh chóng ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình thanh toán. Việt Nam ở vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội mở rộng hệ sinh thái ngân hàng mở.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều giải pháp số cho các nhu cầu tài chính hằng ngày của họ. Trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo con số ấn tượng là 8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, trong đó thanh toán qua internet tăng 50%, thanh toán qua thiết bị di động tăng 60% và giao dịch qua mã QR tăng vọt 104%.
Để Ngân hàng mở thành công tại Việt Nam, tất cả các bên liên quan (cơ quan quản lý, bên thứ ba và ngân hàng) cần hợp tác để giải quyết các thách thức trong ba lĩnh vực quan trọng.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng mở. Ngân hàng mở sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tài chính, chính phủ và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại với các trải nghiệm thanh toán liền mạch, không gián đoạn. Đối với các thị trường mới nổi và đang phát triển, ngân hàng mở tạo ra cơ hội đổi mới, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho cả những khách hàng hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
02/10/2024 12:06
Ông Hoàng Nguyên Vân - Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và chuyển đổi số VIDTI, CTO - nói về lợi ích mang lại khi triển khai hệ sinh thái Ngân hàng mở (Open Banking):
Hai năm gần đây, sau trào lưu ngân hàng số đã phát triển đến một mức mới thì nhu cầu các ngân hàng cần gia tăng tập khách hàng, giảm chi phí vận hành, phát triển cho nền kinh tế, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp... vai trò đó chính là ngân hàng mở.
Ông Hoàng Nguyên Vân. |
Ngân hàng đã có tệp khách hàng, bài toán làm sao để gia tăng tập khách hàng mới, liên kết hệ sinh thái, chăm sóc khách hàng mà đầu tư ít nhất, cung cấp nhiều dịch vụ mà ngành ngân hàng hiện nay không đủ nguồn lực. Do đó chúng ta có bên thứ ba để mở rộng tập khách hàng, bên thứ ba này cũng tận dụng tập khách hàng của ngân hàng để cộng sinh phát triển.
Ngân hàng mở (Open Banking) được hiểu là sự phát triển của một hệ sinh thái tài chính mới dựa trên kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp - đơn vị cung cấp dịch vụ thứ ba, được hỗ trợ bởi API. Ngân hàng mở cho phép bên thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính như tài khoản vãng lai, tài khoản thẻ, tài khoản tiết kiệm, thông tin vay và thông tin KYC.
Mastercard đang thực hiện những sáng kiến gì để thực hiện xu hướng ngân hàng mở (Open Banking)?
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó chủ tịch Quản lý kinh doanh, Tổ chức thẻ Mastercard:
Với vai trò là network trong dịch vụ thanh toán thẻ và hoạt động ở hơn 200 quốc gia - vùng lãnh thổ trên thế giới, hợp tác với nhiều tổ chức như BFSI, Mastercard đã không ngừng đưa ra các giải pháp tài chính mới, kết hợp với Chính phủ nhiều nước để thực hiện xu hướng Open Baking.
Với nền tảng công nghệ và kinh nghiệm đã triển khai, Mastercard mong muốn được tham gia hơn nữa trong xu hướng Open Banking, thông qua việc tiếp tục xây dựng các giải pháp công nghệ, đảm bảo an toàn trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán của Mastercard.
02/10/2024 12:11
Bảo mật thông tin của ngân hàng mở ra sao?
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN:
NHNN luôn luôn chú trọng bảo vệ an ninh, bảo mật, bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng. Đã có nhiều quy định, văn bản của NHNN về việc mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử… phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Ông Phạm Anh Tuấn. |
Tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đều phải đảm bảo giao dịch được thực hiện bởi chính chủ, góp phần giúp bảo vệ thông tin dữ liệu người dùng. Cũng có quy định về việc người tiêu dùng, chủ nhân dữ liệu mới có quyền chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng; đặc biệt là tuân thủ các quy định vừa có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, không cung cấp cho các bên không đáng tin cậy để hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận…
02/10/2024 12:23
Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để phát triển là đổi mới
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, diễn giả đã mang đến nhiều thông tin quý giá, làm rõ khái niệm còn nhiều mới mẻ "open banking - ngân hàng mở".
Ông Phùng Công Sưởng. |
Hội thảo vừa trải qua 2 phiên thảo luận. Ở phiên 1, chúng ta được nghe tham luận, ý kiến từ Sở Giao thông vận tải về giao thông thông minh, đại diện cơ quan công an về tăng tiện ích, tích hợp thông tin cho người dân… tất cả hướng đến khát vọng xây dựng Hà Nội hiện đại, từng bước xây dựng hệ sinh thái thông minh. Trong phiên 2, khái niệm mới vè ngân hàng mở được làm rõ. Người làm báo đâu đó đã được nghe khái niệm này, nhưng hôm nay chia sẻ từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, chuyên gia rất toàn diện, mới mẻ với chúng tôi. Đặc biệt, với công chúng, chúng tôi tin rằng, những thông tin này sẽ hấp dẫn, nhận được đón nhận đặc biệt từ giới trẻ.
Hội thảo đã phản ánh bức tranh có chiều sâu của ngành ngân hàng, ứng dụng hữu ích của ngân hàng mở với ngành ngân hàng hiện nay. Với sự tham gia cùa 26 ngân hàng, các sở ngành của Hà Nội, tất cả ý kiến chúng ta thống với nhau, xây dựng thành phố thông minh là con đường tất yếu, dù còn có nhiều khó khăn, thậm chí chấp nhận trả giá.
Tôi rất tâm đắc ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, các ngân hàng tại sao chuyển đổi số tốt đến vậy. Có thể thấy, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để phát triển là đổi mới, không đổi mới sẽ tụt hâu. Tất cả người dân, khách hàng của ngân hàng đều cảm nhận được, ngân hàng là ngành tiên phong nhất, sớm nhất trong chuyển đổi số, mang lại gía trị cho người dân. Sang ngưỡng mới, khi chuyển đổi số đã bão hoà, theo gợi mở của các chuyên gia, bước tiếp theo các ngân hàng phải hướng đến là ngân hàng mở. Xu hướng này mới với chúng ta, nhưng thế giới thì không. Chúng ta đón nhận với tâm lý phấn khởi.
*******
Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" gồm 2 phiên thảo luận, với các chủ đề như sau:
Phiên 1: Hà Nội - Thành phố thông minh thúc đẩy kinh tế số. Phiên thảo luận 1 với nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp là kênh tham khảo để Hà Nội có thêm cơ sở giải bài toán phát triển đô thị thông minh.
Phiên 2: Hệ sinh thái ngân hàng mở - tương lai của ngành ngân hàng. Phiên 2 nhấn mạnh ngân hàng hàng mở đang trở thành một xu hướng nổi bật mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Điều này có được là nhờ sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba.
Hội thảo với sự tham gia các khách mời:
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (C06) - Bộ Công An.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam - NAPAS.
Các sở ngành thuộc UBND TP Hà Nội cùng các doanh nghiệp như: Tập đoàn BRG; Tổng Cty vận tải Hà Nội; Trung tâm quản lý và điều hành giao thông Hà Nội
Các trung gian thanh toán, ví điện tử: VNID, Vietel Money, ShopeePay, VNPay, Moca, Vimo, Momo, VNPT, Vietel, FPT, CMC.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng cùng 26 ngân hàng thương mại và tổ chức thẻ quốc tế tham gia.
Tại Việt Nam một số ngân hàng đã tiên phong, tích hợp dịch vụ với các đối tác cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng mở, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ và đảm bảo an ninh, bảo mật dữ liệu. Việc nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng sẽ giúp tạo nên một hệ sinh thái tài chính bền vững và bảo mật hơn.