'Thành phố Nhiếp ảnh'- coi chừng ế?!

Tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: Vũ Huyến
Tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: Vũ Huyến
TP - Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa đề xuất xây dựng “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”. Theo đó, tại một địa phương có tiềm năng du lịch và di sản, sẽ định kỳ diễn ra một loạt cuộc thi, hội chợ, triển lãm, trại sáng tác, khóa học, hội thảo… nhiếp ảnh quy mô quốc tế. Nhà phê bình Vũ Huyến tỏ ra nghi ngờ ý tưởng này. Tuy nhiên bằng tâm huyết với nhiếp ảnh, ông cũng hiến kế thăm dò tính khả thi của đề án.

“Thành phố Nhiếp ảnh”- sự kết hợp văn hóa, du lịch, nhiếp ảnh nghe có vẻ cũng hấp dẫn. Vì sao ông lại phản đối?

Tôi không phản đối mà cần được giải đáp các câu hỏi. Nơi ra đời của nhiếp ảnh là châu Âu. Những nước phát triển công nghệ, có uy tín về nhiếp ảnh cũng ở châu Âu. Đấy cũng là nơi hút khách du lịch bậc nhất. Nhưng tại sao ở châu Âu cho đến nay vẫn chưa có “thành phố nhiếp
ảnh” nào?!

Văn hóa thị giác có nhiều loại hình. Tạo ra một sản phẩm điện ảnh phải bằng công nghệ vì liên quan nhiều loại việc khác nhau. Tạo ra một bức ảnh lại khác, là việc của cá nhân. Nếu dùng nhiều hình thức văn hóa khác nhau để thúc đẩy phát triển một thành phố du lịch thì được. Chứ “thành phố nhiếp ảnh” tôi chưa nghe thấy ở đâu.

Trước đây có thành phố điện ảnh Karlovi Vary (CH Szech). Nơi đây thường tổ chức LHP, cũng là thành phố du lịch, nước khoáng, spa nổi tiếng, lại có nghề thủy tinh pha lê. Điện ảnh chỉ là một yếu tố làm nên danh tiếng cho thành phố nhưng chủ yếu cũng chỉ trong khối Đông Âu XHCN.

Việt Nam vẫn tổ chức các liên hoan ảnh quốc gia và quốc tế nhưng không phải vì thế mà người ta đổ xô đến nơi đăng cai. Phải chăng ông sợ “thành phố nhiếp ảnh” nếu bày ra sẽ bị ế?

Đúng thế. Thực tế TPHCM và Hà Nội là hai trung tâm nhiếp ảnh sôi động nhất, với rất nhiều triển lãm hằng năm, nhưng ngay giới nhiếp ảnh có đến xem không? Bởi các nhiếp ảnh gia Việt Nam chuyên và không chuyên có thói quen chỉ đến dự cuộc nào có ảnh của mình hoặc mình được giải. Nếu không, đến cũng chỉ để vui với bạn. Các cuộc trưng bày ảnh hiện nay không phải chỗ để thưởng thức, trao đổi mua bán, gặp gỡ tác giả, tìm hiểu học hỏi… Chủ yếu là để hiếu hỉ và cũng nhân đó có lý do đi “dzô dzô”.(cười).

Việt Nam chưa tận dụng những cuộc trưng bày ảnh để hoạt động chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ. Nhiều hội thảo về những vấn đề nhiếp ảnh mang tầm quốc gia nhưng cũng chỉ diễn ra trong vòng nửa ngày. Trao đổi nghiệp vụ mời người nước ngoài đến trình bày (tất nhiên có phiên dịch) mà bắt đầu 9h kết thúc 11h, thừa biết hiệu quả đến đâu. Đấy là ngay trung ương. Chứ nếu ở một “thành phố nhiếp ảnh” như dự án, tôi không biết có bao nhiêu người quan tâm, lại đủ điều kiện thời gian, kinh phí đến tham dự?

Các triển lãm ảnh cũng rất ít khách nước ngoài đến xem, theo tôi tìm hiểu, họ thích quan sát, gặp gỡ người Việt ngoài đời hơn là trong ảnh. Vì ảnh của mình dàn dựng quá nhiều.

'Thành phố Nhiếp ảnh'- coi chừng ế?! ảnh 1

Nhà lý luận phê bình, nhiếp ảnh gia Vũ Huyến. Ảnh: NVCC

Giới nhiếp ảnh Việt Nam vẫn có kiểu rủ nhau đi sáng tác và cho ra những bức ảnh giống nhau không ít thì nhiều. “Thành phố nhiếp ảnh” liệu có tạo điều kiện để phát huy lối sáng tác này, theo ông?

Nếu các nhà nhiếp ảnh lặn lội một mình đến các thành phố đó, tôi nghĩ họ sẽ có nhiều thời gian nghiền ngẫm tìm ra những ý tưởng và góc nhìn độc đáo không lẫn với người khác. Chứ rầm rộ kéo nhau đến một nơi để chụp có phải là cách chuyên nghiệp hay là nhiếp ảnh du lịch, cốt để tạo ra các bức ảnh vui với nhau. Liệu những bức ảnh được tạo ra như thế có bán được và bán cho ai? Việt Nam hiện chưa có thị trường nhiếp ảnh. Vẫn có không ít những kiểu trưng bày sử dụng “chân gỗ” mua sản phẩm vì “tôi chụp ngành của ông, mời ông đến vỗ tay, vừa là nhà tài trợ vừa mua vài bức”. Thực sự đấy là một lối làm từ thiện lấy lòng nhau. Hoặc bức ảnh bán được vì trên đó có chữ ký của chính khách hoặc người nổi tiếng…

Lại nữa, các nhà nhiếp ảnh vốn không phải “nhà du lịch”. Chúng tôi thường nói vui, không giới nào dễ ăn dễ nuôi như nhiếp ảnh. Nếu đi sáng tác, dân nhiếp ảnh ăn uống chỉ để đủ sức đi, ngủ chỗ nào cũng được. Khách sạn 4-5 sao đừng trông mong những ông này. Một là ông ấy không có tiền, hai là không cần cái đó. Nên tổ chức Thành phố nhiếp ảnh cũng đừng mong thu tiền của dân nhiếp ảnh.

Biết đâu các nhà nhiếp ảnh sẽ được chính nơi đăng cai Thành phố nhiếp ảnh đài thọ để tham dự sự kiện?

Nếu có như vậy cũng sẽ là một số tiền không nhỏ, và cũng sẽ rất khó xác định đối tượng tài trợ. Nhà tổ chức, doanh nghiệp nào cũng sẽ hướng đến hiệu quả kinh tế. Tôi không phản đối dự án Thành phố nhiếp ảnh, nhưng cần phải suy nghĩ sâu thêm.

Tôi có thói quen phản biện kèm biện pháp. Trước mắt những người lập đề án hãy làm thử hai việc. Một, tổ chức hội chợ nhiếp ảnh toàn quốc xem có bao nhiêu công ty, bao nhiêu cửa hàng tham gia và đóng góp. Còn nhớ hồi khóa 3 khi tôi là ủy viên BCH Hội, anh Lê Phức (Chủ tịch Hội NSNA lúc đó) - giao tôi thăm dò tổ chức một hội chợ nhiếp ảnh ngay ở Cung VH Hữu Nghị Việt Xô, nhưng gần như không đơn vị nào hưởng ứng. Người ta bảo đưa một cái quầy đến sân Cung Việt - Xô đã “chết” rồi, mà không biết ai mua. Việt Nam hiện dùng máy ảnh rất nhiều nhưng chủ yếu là máy du lịch. Nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng dùng máy bán chuyên. Máy chuyên nghiệp được sử dụng rất ít, nếu có thường mua qua đường xách tay.

Việc cần làm nữa là tổng kiểm kê các tác phẩm ảnh của tác giả Việt Nam đoạt giải quốc tế. Về chất lượng, những cuộc thi ảnh do FIAP tổ chức với các cuộc do các nước thành viên tổ chức cũng rất khác nhau…

Tôi vẫn băn khoăn trong 10-20 năm vừa rồi nếu cộng lại chúng ta được đến hàng nghìn giải quốc tế nhưng chưa thấy có một triển lãm cho dân xem những tác phẩm đó. Đã là giải quốc tế thì rạng danh cho Việt Nam, thế tại sao công chúng Việt Nam không được biết. Có những tác giả có đến vài trăm giải chưa thấy có cuộc triển lãm cá nhân, lý do gì? Nhà nước có nên tài trợ giúp họ công bố thành tích? Qua đấy cũng để xem những bức ảnh tầm cỡ quốc tế ấy có bán được không, ai là người mua. Và nhân thể làm hội thảo xem có bao nhiêu người dự. Từ hai việc cụ thể trên ta có cơ sở để tính đến việc có nên làm Thành phố nhiếp ảnh.

Như ông nói, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chưa có thị trường, vậy các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp là hội viên Hội NSNA Việt Nam sống bằng gì nếu không bán được ảnh?

Những người đang làm việc ở các cơ quan nhà nước thì sống bằng lương. Còn ai làm ở tiệm ảnh coi như sống bằng nghề dịch vụ ảnh. Xã hội càng phát triển, nhiếp ảnh dịch vụ càng làm nên ăn ra. Như trước đây đám cưới chỉ chụp từ ăn hỏi đến khi nhà gái đến nhìn giường cưới. Bây giờ trước đám cưới vài ba tháng, cô dâu chú rể đã tung tăng đi chụp ảnh kết hợp du lịch có khi ở cả nước ngoài. Nếu nói về tốc độ sử dụng công cụ nhiếp ảnh trong cuộc sống, Việt Nam rất phát triển, vào loại hàng đầu khu vực.

MỚI - NÓNG