Thành phố ma ở Syria

Thành phố Maarat al-Numan của Syria hiện đổ nát, không cư dân vì chiến tranh Ảnh: Xinhua
Thành phố Maarat al-Numan của Syria hiện đổ nát, không cư dân vì chiến tranh Ảnh: Xinhua
TP - Mùi thuốc súng vẫn còn khét trong gió chiều, dấu xích xe tăng hằn trên con đường lầy lội dẫn tới Maarat al-Numan, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Idlib ở tây bắc Syria.

Gần đây, quân đội Syria đã chiếm được Maarat al-Numan, ghi một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân tại thành trì lớn cuối cùng của họ ở Idlib và dọn đường cho việc bảo đảm an ninh cho toàn bộ tuyến đường nối thủ đô Damascus ở miền nam với thành phố Aleppo ở miền bắc. Tuy nhiên, chiến tranh luôn gây tổn thất ngoài dự kiến, nhất là với dân thường. Maarat al-Numan giờ đây vắng bóng người, bị bỏ hoang, trở thành thành phố ma.

Trong một chuyến đi do Bộ Thông tin Syria tổ chức, các phóng viên đã đến thăm Maarat al-Numan với sự giúp đỡ của quân đội Syria. Vết sẹo chiến tranh vẫn hằn rõ trong thành phố. Chợ không người bán, người mua nhưng đông nghịt các tay súng. Họ đang thở phào nhẹ nhõm sau nhiều ngày giao tranh căng thẳng với nhóm Mặt trận Nusra có liên hệ với al-Qaida. Trên tường, các khẩu hiệu hiếu chiến của lực lượng phiến quân còn đó cùng với lỗ chỗ vết đạn.

Có những ngôi nhà không còn tường hoặc trần, một số tòa nhà thì cả tường và trần đều biến mất, chỉ còn trơ lại cầu thang. Một số tòa nhà khác bị ép bẹp như bánh tráng.

Một anh lính tên là Muhammad Basmeh đút hai tay vào túi áo để tránh gió lạnh. Anh nói rằng, binh sĩ Syria vui mừng vì đã tham gia giải phóng Maarat al-Numan khỏi tay phiến quân và mong ước cư dân thành phố sớm trở về nhà. Bản thân Basmeh cũng đã phải nếm trải nỗi đau sơ tán khi gia đình mình phải trốn chạy những trận đánh ở ngoại ô tỉnh Latakia năm 2013. “Mất nhà là một trong những điều khổ cực nhất mà người Syria phải chịu đựng trong cơn khủng hoảng”, anh rầu rĩ nói.

Ở Sabaa Bahrat, quảng trường chính của Maarat al-Numan, một vài cây cọ to lớn vẫn đứng vững, nhưng những cây nhỏ hơn hoặc bị đổ gẫy hoặc bị đốt cháy trong các trận giao tranh. Đài phun nước ở quảng trường đã cạn khô tự bao giờ. Bức tượng nổi tiếng Abu Al-Alaa Al-Maarri, triết gia, nhà thơ, nhà văn Ả rập lừng danh, đã biến mất khỏi quảng trường. Lần cuối cùng bức tượng được nhìn thấy là trong một đoạn video mà các phiến quân công bố năm 2013. Họ đã chặt đầu tượng vì khi còn sống, Al-Maarri chỉ trích Hồi giáo.

Bảo tàng tranh khảm gần quảng trường lưu giữ một số bức tranh có từ thế kỷ 5. Một số bức tranh quý đã bị phá hủy hoàn toàn, một số bị hư hại một phần. Bảo tàng tranh khảm không phải là bảo tàng duy nhất bị chiến tranh tàn phá. Các bảo tàng ở Aleppo, Palmyra và Idlib đã bị cướp phá, nhiều tác phẩm vô giá đã bị lấy đi, bán ra nước ngoài.

Trong khi hộ tống các phóng viên thăm Maarat al-Numan, các binh sĩ Syria được lệnh tập trung ở quảng trường để chuẩn bị cho trận đánh sắp tới ở thành phố Saraqeb thuộc tỉnh Idlib. “Mục tiêu tiếp theo là chiếm Saraqeb - trọng điểm trên con đường chính nối Damascus với Aleppo”, một vị sĩ quan nói với phóng viên rồi quay sang chỉ đạo binh sĩ: “Các anh phải cẩn thận, nhắm bắn thật chính xác để tranh thương vong cho dân thường”. Ông mong Maarat al-Numan sẽ được tái thiết cơ sở hạ tầng ngay sau khi bom mìn được rà phá hết để người dân trở về thành phố hiện thiếu cư dân  nhưng thừa vết sẹo chiến tranh.

Có những ngôi nhà không còn tường hoặc trần, một số tòa nhà thì cả tường và trần đều biến mất, chỉ còn trơ lại cầu thang. Một số tòa nhà khác bị ép bẹp như bánh tráng.

MỚI - NÓNG