'Thanh lọc' lễ hội: Đừng chờ con virus

Đã 2 năm, Phú Thọ bỏ hoạt động cướp phết trong hội phết Hiền Quan (ảnh tư liệu)
Đã 2 năm, Phú Thọ bỏ hoạt động cướp phết trong hội phết Hiền Quan (ảnh tư liệu)
TP - Để giảm bớt căng thẳng trước tình hình dịch bệnh do virus corona đến từ Vũ Hán (Trung Quốc), mạng xã hội facebook Việt đang lan truyền một tổng kết vui về “Những điều Vũ Hán làm được cho thế giới”. Theo đó, tâm lý sợ dịch bệnh còn ngăn chặn được sự bùng phát tràn lan của các lễ hội đầu năm ở Việt Nam, một vấn đề khiến các nhà quản lý và chuyên gia văn hoá đau đầu nhiều năm nay.

Khi tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi”

Những ngày qua, để phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, Chính phủ cũng như Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động lễ hội đầu năm. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Không ít ý kiến trên cộng đồng mạng còn cho rằng đây là dịp tốt để tạo tiền lệ cho việc không cứ tháng Giêng thì phải là “tháng ăn chơi”.

Nhiều chuyên gia văn hoá cho rằng, tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động, làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát. Ở một số nơi, lễ hội không còn là sự thăng hoa văn hóa nữa mà là sự quá khích của cộng đồng. Người ta tranh cướp để… cầu may. Tư tưởng mê tín tạo nên hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ như bói toán, xóc thẻ, xin xăm, viết sớ, đốt mã... Chính những hoạt động này lại lôi kéo một số lượng rất đông người đến lễ bái, góp phần tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội.

Lâu nay, chúng ta vẫn quen với hình ảnh của những dòng người tấp nập, chen chúc đổ về các điểm hành hương ngay từ sau Tết. Còn bây giờ, những dòng người ấy đã vợi đi rất nhiều so với trước. Theo thống kê, ngay từ khi chưa có chỉ đạo tạm dừng của Bộ Văn hoá thì từ đầu Xuân, chùa Hương cũng chỉ đón lượng người hành hương bằng 1/3 so với năm trước. Những địa điểm khác vốn xưa nay vẫn hút du khách thập phương như Phủ Giầy và đền Trần Nam Định, chùa Phật tích Bắc Ninh… cũng chỉ lác đác khách mỗi ngày.

Mùa lễ hội năm 2019, hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) đã phải đột ngột dừng hoạt động đánh phết do lo ngại những vấn đề tiêu cực tiếp tục diễn ra mà không có cách nào khống chế. Năm nay, trong công văn số 33/VHCS-NSVH về việc tổ chức lễ hội Phết ở xã Hiền Quan, Cục Văn hóa cơ sở đã đề nghị Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Phú Thọ báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức lễ hội Phết theo hướng tạm ngừng hoạt động đánh phết theo quy định tại Điều 8, Nghị định 110/2018/NĐ-CP.

Như vậy, bên cạnh việc dừng khai hội theo công điện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch để ứng phó với dịch bệnh thì đây là năm thứ 2, xã Hiền Quan không có hoạt động đánh phết như vài trăm năm qua.

Tất nhiên, rất nhiều người dân trong vùng đặc biệt là các bậc cao niên đã tỏ ra bức xúc, khó chịu và cho rằng không còn đánh phết thì lễ hội này cũng mất đi bản sắc riêng, và rằng “lệ tục, truyền thống của làng từ xưa như vậy, không thể thay đổi”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chỉ cần vài năm không duy trì, người dân sẽ dần quen, thay đổi nếp nghĩ để hướng đến một lễ hội vui vẻ, an toàn, lành mạnh mà không cần đến những màn tranh cướp đến đổ máu, “một mất - một còn”.

“Đừng chờ con virus”

“Đừng bắt di sản trở lại quá khứ mà làm cho di sản phù hợp với cộng đồng, nên phải chấp nhận sự biến đổi như một cách tự nhiên. Tất cả các di sản đều phải thay đổi, không có di sản nào đứng yên 100%. Di sản phát triển bền vững tức là phải chấp nhận thay đổi với sự phù hợp của cộng đồng” - GS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết.

Thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đã biến đổi rất mạnh mẽ, nếu cố giữ truyền thống sẽ không có lợi cho sự phát triển. Một số yếu tố văn hóa, lệ tục có từ nghìn đời, song không còn phù hợp với cuộc sống đương đại đã được vận động bỏ, hoặc đưa ra chủ trương bỏ, điển hình là tục đốt pháo Đồng Kỵ hay tục chém lợn giữa sân đình tại hội làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh).

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, trong quá khứ, bản chất các lễ hội diễn ra chủ yếu hướng đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của từng cộng đồng nhỏ hẹp trong mỗi làng xã địa phương. Do hạn chế về hạ tầng và phương tiện giao thông, những người nông dân ít khi đi xa hơn cái làng của mình. Vậy nên, hội làng nào thì người làng ấy tham gia, không có cảnh chen lấn, xô bồ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng cũng tăng dần trong xã hội. Các lễ hội Xuân không còn chỉ để phục vụ đời sống tinh thần của cư dân bản địa mà còn kiêm thêm “nhiệm vụ” kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội của cả vùng, do đó mở rộng đón du khách thập phương. Việc quá tải đã dẫn đến những khó khăn trong vấn đề kiểm soát, tổ chức lễ hội.

“Đừng chờ có con virus rồi mới chấn chỉnh lễ hội. Theo tôi thấy, 1-2 năm nay, việc tổ chức lễ hội ở nước ta đã diễn ra tương đối tốt. Tuy nhiên, bản thân tôi không ủng hộ việc “không quản được thì cấm”. Để lâu dài, chúng ta cần có chiến lược. Không nên làm theo kiểu chữa cháy, xì ở đâu thì bịt ở đấy, mà phải có dự báo, lường trước những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tổ chức, từ đó chuẩn bị các phương án ứng phó”- Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho rằng việc phải tạm dừng các lễ hội đầu năm do dịch bệnh là điều không may nhưng cũng nên coi là cơ hội để hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa thật sự của các lễ hội và trả lại cho lễ hội những nét đẹp vốn có.

'Thanh lọc' lễ hội: Đừng chờ con virus ảnh 1 Một du khách chia sẻ trên mạng hình ảnh chùa Hương vắng vẻ trước đại dịch
MỚI - NÓNG