Thanh Hóa: Vẫn còn 59 người trên biển

Thanh Hóa: Vẫn còn 59 người trên biển
Đến tối qua (9/11), tại tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 14 phương tiện với 59 lao động đang hoạt động trên biển chưa vào bờ.

> Dự đoán của các chuyên gia quốc tế về hướng đi của siêu bãi Haiyan

Thanh Hóa: Vẫn còn 59 người trên biển ảnh 1

Để đối phó với với bão số 14, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện ven biển kêu gọi, tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, không để người trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi chồng thủy sản xong trước 19h ngày 9/11. Tuy nhiên, đến tối qua (9/11) vẫn còn 14 phương tiện với 59 lao động đang hoạt động trên biển chưa vào bờ.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đến 19h ngày 9/11 toàn tỉnh đã kêu gọi được 7.487 phương tiện với 24.674 lao động trên biển đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển, các lực lượng chức năng và gia đình các chủ phương tiện để thường xuyên liên lạc, kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào nơi trú ẩn gần nhất. Tại các cửa biển, lực lượng chức năng đang quản lý chặt chẽ người, phương tiện, điều tiết việc neo đậu tàu thuyền để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số hơn 600 hồ đập, hiện có 103 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn vì vậy tỉnh Thanh Hóa đã bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư trực theo dõi và chủ động xử lý khi có sự cố. Đồng thời, chỉ đạo các chủ hồ chứa phải chủ động vận hành xả nước phù hợp theo hướng xả lũ sớm để giảm lũ cho vùng hạ du.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo tất cả các huyện có hồ đập phải được kiểm tra, rà soát lại mức nước đã tích và chất lượng của các đập, đánh giá mức độ an toàn, trên cơ sở đó có phương án đảm bảo an toàn cho hồ, đập. Các hồ lớn như hồ Cửa Đạt có công suất chứa 1 tỷ 450 triệu m3 và hồ Yên Mỹ trên 300 triệu m3, chúng tôi đã chỉ đạo cho xả trước để đảm bảo hạ thấp mức nước trong hồ. Trong tổng số 610 hồ đập với 92 hồ, chúng tôi quyết định không tích nước 17 hồ và 75 hồ tích nước hạn chế để đảm bảo an toàn cho hồ đập".

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện miền núi tổ chức di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven suối, vùng thấp trũng, hạ lưu các hồ đập với số dân dự kiến phải di dời là gần 5.000 hộ với gần 22.000 nhân khẩu...Việc di dời dân phải hoàn thành xong trước 17h hôm nay (10/11).

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử 13 đoàn công tác đến các địa phương triển khai phương án phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Các đoàn công tác sẽ cắm chốt tại các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng cơn bão số 14.

Theo Việt Cường, Tiến Dũng/VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG