“Củ Mật” vốn là từ rút gọn của cụm từ cổ “Củ soát nghiêm mật”, nghĩa là kiểm soát nghiêm ngặt. Tháng Củ Mật xưa gọi là Củ Mật Nguyệt để chỉ tháng Chạp là tháng cuối năm.
Theo quan niệm của người xư, tháng cuối năm là tháng quan trọng trong năm, thời gian mọi người lo cúng kiếng tổ tiên, đưa ông Táo về trời, chuẩn bị đón Giao thừa, đón năm mới. Những công việc thuộc về truyền thống, tâm linh, ảnh hưởng không chỉ một gia đình mà cả dòng họ, cả vùng quê… đòi hỏi con người phải có cho mình một tâm thế nghiêm cẩn, thận trọng. Ai ai cũng quần là khăn đóng, từ lời nói đến dáng đi đều phải trang nghiêm, thư thái từ tốn.
Lúc tôi còn nhỏ, đêm tháng Chạp, bà tôi thường dặn: “Giờ là tháng Củ Mật, cuối năm trộm cắp nhiều hơn bình thường, các con đêm hôm nhớ đóng cửa cẩn thận”. Đấy là những năm bao cấp, cả xóm đốt đuốc đi tìm kẻ trộm đêm cuối năm. Cuối cùng phát hiện ra tên trộm vùi mình dưới bùn giữa cánh đồng. Cái xe đạp tang vật nó ném dưới ao.
![]() |
Nhiều chùa cổ vẫn duy trì phong tục dùng đèn dầu rất dễ gây cháy Ảnh: Nguyên Anh |
Lại có câu chuyện bi hài. Nhà ông H có cái đài, đêm xuân nào ông cũng nghe đọc truyện, đọc thơ. Trộm rình mãi không sao lấy cắp được. Chúng bèn dùng một cái đài khác để bên ngoài cửa sổ, mở cho ông nghe. Một tên bò vào nhà, ôm chiếc đài của ông ra ngoài. Ông nằm lim dim vẫn nghe tiếng đài bên tai. Khi bặt tiếng đài, bật dậy thì bọn trộm đã ôm hai cái đài chạy vào rừng cây.
Bây giờ, tháng Củ Mật trộm cướp cũng hoành hành, nhưng chủ yếu chúng lừa đảo qua mạng tinh vi.
Nhiều người khó khăn khi mua vé về quê đón Tết, vé có hạn nhưng số người về quê gần như vô hạn. Những trang web, tài khoản bán vé giả mạo mọc lên. Sau khi thu tiền của khách hàng, các tài khoản bán vé Tết lập tức “bốc hơi”, không tìm được dấu vết. Mới đây công an TP Đà Nẵng đã bắt gọn một nhóm lừa đảo bán vé qua mạng. Nhóm này lừa đảo 40 người, thu gần 150 triệu đồng tiền vé máy bay Tết 2025 nhưng không giao vé cho người mua.
Công an TPHCM cũng đã có khuyến cáo người dân cảnh giác với các chiêu lừa đảo của tội phạm như kêu gọi khách hàng tham gia các chương trình khuyến mãi “khủng” trong dịp Tết, các chương trình giả mạo “Tri ân khách hàng cuối năm”… Các đối tượng lập nhiều trang web giả các thương hiệu lớn, các công ty, các siêu thị, nhãn hàng… để lừa người dân đóng tiền nhận thưởng rồi chiếm đoạt.
Mới đây, tôi gặp chị M, một người ở TPHCM đang tìm tour du lịch trong dịp Tết cho gia đình. Chị kể: “Tôi vào trang web, thấy có khách sạn đang giảm giá phòng 50% dịp Tết 2025. Khách sạn này rất lớn, có cả phòng Tổng thống. Tôi đặt phòng rồi chuyển khoản gần 20 triệu xong thì không liên lạc được “khách sạn” nữa. Thì ra tôi đã bị lừa đảo”.
Tháng Củ Mật, người ta không chỉ phải đề phòng với trộm cắp mà còn phải thận trọng trong giao thông, đi lại. Mấy năm trước, cái H làng tôi đi làm công nhân về quê ăn Tết, nửa đường bị tai nạn giao thông, những ngày xuân cả làng chìm trong nước mắt. Câu cửa miệng là “Về Tết đi đứng cẩn thận”.
Tháng Củ Mật cũng là thời điểm cẩn thận việc cháy nổ. Xưa có nhiều nhà làm pháo, vào ngày cuối năm láng giềng cứ lo ngay ngáy. Có lần, nhà làm pháo lậu sấy thuốc gây ra vụ nổ như bom, sập cả căn nhà. Nay, việc sản xuất pháo đã được quản lý chặt chẽ, nhưng ngày xuân hàng hóa nhiều, nhất là vải vóc, hàng mã, hương đèn, các loại dầu, đều có dễ gây cháy. Những nơi tập trung đông người như đình đền chùa, hương khói nghi ngút, có nơi vẫn dùng đèn dầu để thắp, cần giữ gìn trong tháng Củ Mật.
Những ngày cuối năm, thường có các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật, lễ hội thu hút hàng chục ngàn người. Trong khi các ban tổ chức phải đảm bảo an ninh tốt nhất cho các sự kiện thì người tham gia cũng cần có ý thức tự bảo vệ an toàn nghiêm ngặt cho bản thân và cộng đồng, không chen lấn xô đẩy, tránh cháy nổ để có một tháng Chạp và một cái Tết đầm ấm, náo nhiệt, vui tươi đúng nghĩa là tháng Củ Mật an toàn.