Tháng 9 này, ở Bình Nhưỡng

Quang cảnh thủ đô Bình Nhưỡng
Quang cảnh thủ đô Bình Nhưỡng
TP - Thay đổi xuất hiện ở mọi ngõ ngách. Đó là kết luận của phóng viên Hoàn cầu thời báo sau 8 ngày ở Bình Nhưỡng trong tháng 9 này. Sau đây là những gì tờ báo Trung Quốc ghi nhận về thực tế cuộc sống ở thủ đô của CHDCND Triều Tiên.

Nhiều người bán hàng ở siêu thị Ragwon đang xem các bản tin về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc. Chiếc tivi họ xem là loại Panasonic LCD 60 inch, giá “không rõ”, theo lời người chủ quầy.

 Siêu thị này là loại hạng sang ở thành phố. Sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet mô tả đây là nơi bán “toàn các loại hàng nhập khẩu, không xa lạ gì với giới giàu có ở Bình Nhưỡng”.  Bán từ tivi Panasonic tới bỉm trẻ em hiệu Merries, siêu thị có thể khiến khách du lịch ngỡ mình đang mua sắm ở nơi nào đó chứ không phải
Bình Nhưỡng.

Mặc dù đang vào dịp quốc khánh, siêu thị không đông người cho lắm. Trên giá bày những chai nước được sản xuất từ tháng 12/2017. Phóng viên lấy vài chai nước ngọt, có giá 140 won/chai, mang tới quầy. Sau khi bấm máy tính, cô thu ngân mỉm cười và yêu cầu trả thêm tiền vì “5.000 won là không đủ”.
Hầu như khách du lịch nào tới đây cũng sẽ bối rối với tỷ giá hối đoái ở Triều Tiên. Theo bảng tỷ giá công bố của chính quyền, 1 USD đổi được 100 won. Tỷ giá này được áp dụng trong các nhà hàng và siêu thị, những nơi được đón khách nước ngoài.

Trong thực tế, cái gọi là “tỷ giá hối đoái chính thức” ở Triều Tiên là giá mua ngoại tệ do cơ quan ngoại hối Triều Tiên công bố (đã bị đình hoãn). Ở những chợ chỉ cho phép người Triều  Tiên mua bán với nhau, 1 USD đổi được 8.000 won.

Trương Kế Vĩnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên (đại học Phúc Đán, Thượng Hải) nói có hai loại giá cho các sản phẩm bán ở Triều Tiên. “Một là giá theo đồng won Triều Tiên, áp dụng đối với người trong nước. Giá còn lại dành cho người nước ngoài- bạn cần  dịch chuyển dấu phẩy thập phân sang trái hai lần, đó là giá tính theo USD”. (Có nghĩa là chai nước ngọt bán 140 won là cho người Triều Tiên, còn đối với người nước ngoài là 1,4 USD, đổi ra tiền Việt khoảng 32 ngàn đồng-PV).

Thực tế này, theo phóng viên của Hoàn cầu thời báo, đã bác bỏ một câu nói quen thuộc ở Trung Quốc. “Ai mang thật nhiều nhân dân tệ sang Triều Tiên sẽ thành đại gia”. Tính ra, giá thực phẩm ở Bình Nhưỡng gần như ngang với ở Bắc Kinh, thậm chí còn cao hơn một chút.
Giá đồ điện tử cũng thế. Ví dụ một tủ lạnh hai cửa hiệu Haier (Trung Quốc) được bán với giá 137.500 won (hơn 3,5 triệu đồng).
Theo luật quản lý hối đoái Triều Tiên, được thông qua năm 2004, tiền nước ngoài không được lưu hành ở nước này, phải đổi ra tiền nội tệ ở một số điểm được chỉ định.

Tương phản

 Trên đường phố Bình Nhưỡng, người ta có thể bắt gặp những chiếc xe tải sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, bên cạnh những chiếc Land Rover đời mới nhất.

Người dân nói chuyện bằng điện thoại dưới các biểu ngữ, bích họa chân dung lãnh đạo kèm theo các câu nói. Người mặc trang phục truyền thống, có người bận đồ vest công sở.

Mặc dù đất nước này được biết tới là một xứ sở lạc hậu, nghèo nàn, bảo thủ, vẫn có những nhà hàng sang trọng. Thành phố sạch như lau
như li.

Tại một nông trại trồng rau ở quận Sadong, các nông trại viên có nhiệm vụ cung cấp rau xanh cho Bình Nhưỡng. Chính phủ thu mua 70% sản lượng, 30% còn lại phân phối cho chính những người trồng rau.

“Năm 2017, thu nhập bình quân là 800.000-900.000 won (20-23   triệu đồng)”, ông chủ nhiệm họ Lee nói. “Chúng tôi không có nhiều nơi để tiêu tiền, vì y tế miễn phí, học phí không thu, nhà cũng được cấp. Vì thế chỉ dùng tiền mua những gì cần thiết”.

“Năm 2017, thu nhập bình quân là 800.000-900.000 won (20-23   triệu đồng)”, ông chủ nhiệm họ Lee nói. “Chúng tôi không có nhiều nơi để tiêu tiền, vì y tế miễn phí, học phí không thu, nhà cũng được cấp. Vì thế chỉ dùng tiền mua những gì cần thiết”.
Đêm đến, phố phường không rực rỡ như ban ngày vì không có đèn đường, bảng hiệu nhấp nháy.
Tuy nhiên, một hướng dẫn viên du lịch người Triều Tiên nói đất nước đã cởi mở hơn trước rất nhiều. “Trước đây, khi phóng viên nước ngoài đến, mọi người sẽ bỏ chạy. Nhưng bây giờ họ sẵn sàng đứng lại, trả lời các câu hỏi”. Các khẩu hiệu, biểu ngữ chống Mỹ đã không còn thấy trên đường phố như trước.

“Đang có những thay đổi ở Triều Tiên”, giáo sư Trương Kế Vĩnh, người nhiều lần tới thăm Triều Tiên, nói. “Một số người Triều Tiên mà tôi gặp, trước đây chỉ nói về các vấn đề chính trị, nay hỏi về các công ty Trung Quốc, công việc kinh doanh, các khóa học về tài chính. Có thể cảm nhận rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho việc xây dựng kinh tế”.

Tuy nhiên, ở đất nước này, sự bất bình đẳng thu nhập là rất rõ. Một nghiên cứu viên ở Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh nói với phóng viên rằng có khoảng cách thu nhập lớn giữa thủ đô Bình Nhưỡng với các thành phố nhỏ và trung bình. Và chắc chắn đối với các vùng nông thôn, khoảng cách ấy còn lớn hơn nữa.   

MỚI - NÓNG