Tháng 9, khai thác thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc thi công đường sắt đô thị Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc thi công đường sắt đô thị Hà Nội.
TPO - Cả hai tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đều chậm so với tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến việc giảm ùn tắc giao thông cho nên cần phải tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ.

Sáng 4/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp. Tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 886 triệu USD.

“Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, sau đó Bộ GTVT đã phê duyệt dự án điều chỉnh. Như vậy, vốn  tăng lên 250 triệu, việc này cũng đã có chủ trương và hai nước đã đồng ý, trong đó Trung Quốc đồng ý bổ sung thêm khoản 250 triệu USD”, ông Đông cho hay.

Đối với dự án đường sắt Hà Nội tuyến Nhổn-ga Hà Nội, theo báo cáo, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 32.910 tỉ đồng. Hiện tiến độ thi công đạt được khoảng 30%.  Dự kiến hoàn thành tổng thể vào năm 2021.

Tháng 9, khai thác thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ảnh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thi.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, là nhân tố làm gia tăng ô nhiễm ở những thành phố lớn như Hà Nội.

Vì thế theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những giải pháp trước mắt thì về dài hạn phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư để có nhiều phương thức vận tải hợp lý. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, Thành phố Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài theo quy hoạch tầm nhìn tới 2050 là 305km, trong đó bình quận từ 100-150 triệu USD/km đường sắt đô thị ở Hà Nội thì tiêu tốn khoảng xấp xử 40 tỉ USD. Nếu cứ vay toàn bộ 40 tỉ USD này thì chắc chắn không thực hiện được nên cần có cơ chế đột phá để thực hiện.

Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực ở trong nước, nước ngoài thay vì chỉ vay ODA. Có thể làm theo hình thức BT và cố gắng tạo điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm thì chắc sẽ rẻ, nâng cao năng lực, giá trị nội địa hoá của các doanh nghiệp.

Đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự kiến chạy thử trong tháng 9/2017 và sau đó đi vào vận hành khai thác sử dụng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý việc quản lý phải chuyên nghiệp, văn hoá ứng xử... để tạo sự hấp dẫn từ đường sắt đô thị.

Còn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, dù còn nhiều vướng mắc nhưng Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần phải quyết liệt để cố gắng để hoàn thành trong năm 2021. “Chúng ta phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, khó khăn vướng thì các bộ cùng nhau phối hợp để giải quyết trong thẩm quyền, quá thì báo cáo Thủ tướng quyết định”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG