“Thần dược” gieo rắc hiểm họa

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Các trường hợp ngộ độc, dị ứng cấp tính có thể xử trí được nhưng tình trạng nhiễm độc kéo dài, tổn thương mạn tính sẽ là thách thức khó lường

Những ngày gần đây, Bộ Y tế đã phải ra công văn khẩn yêu cầu thu hồi trên phạm vi toàn quốc nhiều loại thuốc nhái, thuốc giả đang lưu hành trên thị trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Suýt chết vì gói thuốc bắc

Ca bệnh mới nhất bị ngộ độc “thần dược” vừa được Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cứu sống là một nữ bệnh nhân 60 tuổi, ngụ TP HCM. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch: mạch nhanh, tím tái, khó thở, nôn ói nhiều lần... Các bác sĩ chẩn đoán bà bị sốc phản vệ do uống thuốc bắc không rõ loại. Bệnh nhân này đang chữa trị theo toa bác sĩ, tập vật lý trị liệu sau tai biến mạch máu não với di chứng yếu nửa người.

Trước đó, bà tình cờ gặp một “thầy” và được ông này tặng cho gói bột thuốc bắc trị chứng đau thần kinh tọa. Theo chỉ dẫn, bà về lấy 1 muỗng cà phê thuốc này pha nước uống. Vừa uống xong chén thuốc, bà bất ngờ nôn thốc nôn tháo, mặt mày tái nhợt rồi lăn ra bất tỉnh.

“Than duoc” gieo rac hiem hoa

Thực phẩm chức năng giả bị phát hiện 

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, đây là trường hợp sốc thuốc rất nặng do uống thuốc bắc dạng bột không rõ nguồn gốc, không có tên thuốc và là thuốc tự chế theo kinh nghiệm gia truyền, vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành y tế. Nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao do sốc phản vệ nặng. Những loại thuốc này rất khó xử trí vì bác sĩ không biết tên thuốc và hoạt chất của nó.

Trường hợp trên không phải hiếm. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thường tiếp nhận cấp cứu những ca ngộ độc đông dược và gần đây nhất là 2 trường hợp đều là nữ. Một bệnh nhân 65 tuổi sau khi uống An Cung Ngưu Hoàng hoàn (Trung Quốc) để điều trị suy giãn tĩnh mạch chân thì bị lở miệng, nổi mụn nhọt quanh miệng, 2 chân tê; sau đó diễn tiến nặng thêm như ho, chán ăn, sụt cân, không tự đứng dậy được. Còn nữ bệnh nhân trẻ 26 tuổi đang điều trị Lupus ban đỏ nhưng uống thuốc kết hợp đông - tây y nên bị biến chứng nặng, được chẩn đoán nhiễm độc kim loại.

Bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên điều trị nhiễm độc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cảnh báo về quan niệm sai lầm rằng đông dược có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn. Trên thực tế, một số vị thuốc có nguồn gốc từ khoáng chất chứa các kim loại nặng như thủy ngân, asen, chì… cũng có các tác dụng không mong muốn, gây tổn thương mạn tính, thậm chí tử vong.

Tỉnh táo, thận trọng khi dùng

Trong khi “thần dược” tự chế nhiều hiểm họa đang được truyền tai sử dụng âm thầm thì việc sản xuất - kinh doanh những mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN)… nhái, giả tràn lan cũng khiến dư luận bất an. Mới đây nhất, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp trên toàn quốc 56 sản phẩm mỹ phẩm mủ trôm và mủ trôm Tân Đại Dương do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Tân Đại Dương (ở quận Bình Tân, TP HCM) sản xuất. Công ty này đã từng bị xử lý vi phạm về hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nhái hiệu Sắc Ngọc Khang (của Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú) với sản phẩm vi phạm là mủ trôm Sắc Ngọc Khang. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, các sản phẩm này bị đình chỉ lưu hành và thu hồi là do sản xuất không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (GMP-ASEAN).

Tiếp đó, Bộ Công an cũng bắt khẩn cấp lãnh đạo Công ty TNHH Bảo Khang (phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) về hành vi kinh doanh TPCN giả. Công ty này trực tiếp dán giả nhãn mác, chia và đóng hộp, gói thành phẩm các thương hiệu TPCN giảm cân của Mỹ và phân phối ra thị trường...

Theo các chuyên gia y tế, việc sản xuất sản phẩm vì sức khỏe con người (dược phẩm, thực phẩm, TPCN…) là tối quan trọng, đòi hỏi một tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả đang là hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng. Các trường hợp ngộ độc, dị ứng cấp tính còn có thể xử trí được nhưng tình trạng nhiễm độc kéo dài sẽ là hiểm họa khôn lường. Chẳng hạn, với mỹ phẩm, nếu bị dị ứng không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, rối loạn điện giải và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn với TPCN, nếu dùng hàng nhái, giả hoặc dùng không đúng cách có thể gây dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...

Theo Theo NLĐ
MỚI - NÓNG