Thăm 'Vương quôc đá' xứ Lạng

Nét độc đáo ở làng đá Thạch Khuyên.. Ảnh: Duy Chiến
Nét độc đáo ở làng đá Thạch Khuyên.. Ảnh: Duy Chiến
TP - Ngày áp tết Tân Sửu, chúng tôi đi theo cung đường nhỏ, đầy bụi đỏ đến một làng nhỏ trên vùng biên giới xứ Lạng. Trời trở nắng chan hòa và làng Thạch Khuyên hiện ra với những ngôi nhà cổ trình tường, được bao bọc bởi những hàng rào đá rêu xanh. 

Làng phòng thủ

Thạch Khuyên nằm ẩn mình giữa núi rừng xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ðể đến được nơi này, chúng tôi phải vượt qua chừng 50km từ thành phố Lạng Sơn theo đường tỉnh lộ 235, ngoằn ngèo, khó đi. Giống như bao làng quê trên quê hương xứ Lạng, làng đá Thạch Khuyên hiện còn có các nếp nhà trình tường, lợp ngói âm dương cũ kỹ.

Trên đường có những viên đá nhẵn thín đủ kích cỡ, hình thù được người dân xếp mộc, hòn nọ chồng lên hòn kia một cách trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Ðá bao quanh làng, xung quanh từng ngôi nhà xếp cao chừng trên 1 mét. Trên đá, lâu ngày xuất hiện từng bụi xương rồng nở hoa tô điểm cho làng đá thắm đỏ, nguyên sơ.

Cụ Nông Vinh Tiến (80 tuổi), dân tộc Tày dẫn chúng tôi đến thăm hàng rào đá của gia đình ở giữa làng rồi nói: “Thạch Khuyên xưa nhiều đá lắm, mà cũng chẳng biết có tự bao giờ, khi tôi sinh ra, làng đã có đá rồi. Ðể chống chọi lốc xoáy từ phương Bắc ùa về, người dân địa phương đã nghĩ ra cách dựng viên đá xếp thành những bức tường để chắn gió, chắn mưa. Cứ thế, đá được truyền từ đời này qua đời khác, làng Thạch Khuyên bỗng trở thành làng đá cổ”.

Thăm 'Vương quôc đá' xứ Lạng ảnh 1 Cụ Nông Vinh Tiến tự hào giới thiệu về làng đá quê hương

“Thạch Khuyên dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông có nghĩa là “đá vòng hình  khuyên”. Ngoài chống thiên tai thì dân làng cũng dựa vào đá để chống thú dữ trên rừng và thổ phỉ cướp bóc. Người dân dùng đá xếp thành những hào, lũy, làm bẫy đá ngăn kẻ cướp. Vết tích ấy vẫn còn đến tận ngày nay”. Cụ Tiến thuật lại. Theo cụ Tiến, trong cuộc khởi nghĩa Ba Sơn (tháng 7 năm 1946), nhờ những chiến lũy bằng đá này, làng Thạch Khuyên đã che giấu được cán bộ cách mạng và trở thành lũy hào kiên cường chống giặc Pháp.

Nói Thạch Khuyên là “làng phòng thủ” quả không sai, bởi khi chúng tôi đi vào làng như lạc vào một “mê cung”. Nhìn từ trên cao, tôi thấy những bức lũy vừa thâm u, bí ẩn. Những tảng đá vô tri, vô giác đang sống cùng Thạch Khuyên, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tạo hóa nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Già làng Tiến hướng dẫn chúng tôi đi một vòng qua các làng và cho biết, điều đặc biệt ở Thạch Khuyên, cho dù mỗi nhà đều có bốn bức tường đá bao quanh nhưng ở góc đều có cửa ngách nhỏ kín đáo thông từ nhà này sang nhà nọ, tạo nên một quần thể thống nhất, trong kín, ngoài khó tới.

“Chúng tôi sinh ra đã gần đá, lớn lên chơi đùa, thậm chí là ăn, ngủ trên đá. Theo quan niệm của cha ông, đá tượng trưng cho tình mẹ bao dung, ấm áp, vậy nên những viên đá ở đây như vật dụng thân thiết, không thể bỏ đi. Cụ Tiến tiết lộ.

Tôi theo già làng Nông Vinh Tiến đi qua dãy tường đá vào ngôi nhà trình tường. Nơi đây vẫn giữ được loại nhà có lối kiến trúc tiêu biểu truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao một tầng có gác xép lửng. Phía trong nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn, trên  tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai nhằm phòng thủ.

Ngôi nhà trình tường độc đáo của người xứ Lạng có công dụng thoáng mát vào mùa hè nhưng lại giữ nhiệt ấm áp vào mùa đông. Khi bước chân vào trong nhà, tôi nhận thấy mùi thơm thoang thoảng của hương lúa ngày mùa, cộng với mùi ngai ngái của vị bùn từ bốn bức tường, tạo cảm giác thân thương, gần gũi.

Giữ gìn làng cổ

Giở cuốn số ghi chép đã phai màu, ông Dương Văn Cò, dân tộc Nùng, Bí thư chi bộ kiêm trưởng làng Thạch Khuyên cho biết, vào khoảng mùa xuân 1825, bản làng nơi đây có vài hộ dân sống lẻ loi nơi ải Bắc. Từ đây, các gia đình đã biết tận dụng các dòng suối chảy qua địa bàn như: Bản Gianh, Bản Lề, Cò Luồng để lấy đá xây làng, dựng tường rào.

Nói đoạn, ông Cò dẫn chúng tôi ra mé đầu làng, chỉ lên ngọn núi cao trập trùng trên biên giới Việt- Trung rồi nói: “Suối Thạch Khuyên chảy từ đầu nguồn đỉnh Mẫu Sơn, dọc theo sườn đồi, sườn núi rồi chạy qua xã Xuất Lễ. Con suối này trong, mát lớn nhất trong số các sông, suối ở địa phương”.

Ông Dương Văn Cò cho biết thêm, so với trước kia thì hiện nay, làng đá Thạch Khuyên còn giữ được khoảng 30% nguyên trạng với khoảng 20 ngôi nhà nhà trình tường và một số đoạn tường rào bằng đá người dân vẫn đang sử dụng. Hằng năm, chính quyền xã Xuất Lễ tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc gìn giữ vệ sinh môi trường, vận động các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên cũ hỏng để góp phần gìn giữ lâu dài vẻ đẹp của làng đá cổ, tránh nguy cơ mai một miền quê độc đáo.

Thăm 'Vương quôc đá' xứ Lạng ảnh 2 Mùa xuân trên làng đá xứ Lạng Ảnh: Duy Chiến
Chúng tôi chứng kiến đồng bào các dân tộc làng đá Thạch Khuyên gọi nhau sửa sang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để chuẩn bị đón năm mới. Một số hạt nhân văn nghệ nhanh nhảu đến nhà văn hóa làng để luyện tập các bài ca, điệu múa chuẩn bị tổ chức giao lưu hát Sli, Lượn, múa sư tử mèo vui xuân trong lễ hội Ba Sơn, ngày hội gắn liền chiến thắng khu du kích Ba Sơn được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Những cây nêu ngày tết đã được dựng lên ở các ngõ xóm, trước sân nhà trình tường. Bức tường đá được lau chùi sáng bóng, ánh lên niềm kiêu hãnh trong nắng mới chan hòa. 

"Năm 2020, huyện Cao Lộc phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp lập đề án phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hình thành ý tưởng xây dựng kế hoạch về bảo tồn, phát huy "Làng phòng thủ, làng đá Thạch Khuyên". Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc

MỚI - NÓNG