Thăm Pháp, ông Trump không thoát “bóng” ông Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty Images.
TP - Bình thường, chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp sẽ rất đơn giản. Nhưng khi sự nghi ngờ phía Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng căng thì lần thăm Paris này được cho là không bình thường, giới quan sát nhận định.

Tổng thống Donald Trump sẽ là khách mời danh dự tại lễ diễu hành chào mừng Quốc khánh Pháp và 100 năm ngày Mỹ tham gia Thế chiến 1. Đây có thể là dịp để ông Trump ca tụng những chiến thắng của người Mỹ ở nước ngoài và tham gia hàng loạt hoạt động mà ông sẽ khắc họa chân dung mình như một vị tổng tư lệnh mạnh mẽ.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm này cũng mang lại cơ hội để ông Trump xây dựng quan hệ tốt với một nhà lãnh đạo ngày càng có ảnh hưởng trên thế giới - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và để tham gia các hoạt động nhằm thể hiện với người dân Mỹ rằng Tổng thống Mỹ đang ngày càng làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, chuyến thăm lần thứ ba của ông Trump đến châu Âu lần này lại bị phủ bóng bởi những câu hỏi về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2016. Lần này là sự thừa nhận, thông qua những email mà con trai Tổng thống, Donald Trump Jr. công bố, rằng Trump Jr. đã sắp xếp một cuộc gặp vào năm ngoái với một phụ nữ được cho là luật sư của chính phủ Nga để bàn về việc làm mất uy tín ứng viên tổng thống Mỹ hồi đó là bà Hillary Clinton.

Nếu Tổng thống Trump tổ chức họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 13/7 (giờ Pháp) như dự kiến, thì gần như chắc chắn ông sẽ bị hỏi nhiều về vấn đề quan hệ với Nga. Có vẻ để tránh tình huống như vậy, Tổng thống Trump hôm qua nói với hãng tin Reuters trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, ông không biết về cuộc gặp của con trai ông khi cuộc gặp đó diễn ra vào tháng 6 năm ngoái.

“Không, tôi không biết cho đến mãi mấy ngày gần đây”, ông nói. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề Nga tác động nghiêm trọng lên những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy chương trình hoạt động toàn cầu của ông Trump.

Chuyến thăm đầu tiên của ông Trump đến châu Âu hồi tháng 5 bị phủ bóng bởi những câu hỏi về việc ông không đề cập nguyên tắc tương trợ quốc phòng, khiến người ta càng thêm ngờ vực về những câu nói tốt đẹp của Tổng thống Mỹ về Nga trước đây.

Mới tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức, cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin bị phá hỏng bởi nhiều cách diễn giải khác nhau về những trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo trong vấn đề can thiệp bầu cử. Sau chuyến đi này, những tranh cãi về Nga ngày càng lớn, Tổng thống Mỹ dường như đã tránh thể hiện quan điểm và không tham gia sự kiện công khai nào trong suốt 3 ngày.

CNN dẫn nguồn tin từ đảng Cộng hòa nói rằng, Tổng thống Trump giận dữ khi ông coi chuyến thăm đến Ba Lan và Đức cuối tuần qua là thành công nhưng lại bị vấn đề Nga lấn át. Giờ đây, những bài có tiêu đề về Nga tiếp tục xuất hiện dày đặc trên báo chí.

Hai chân dung tương phản

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề địa chính trị nghiêm túc sẽ được chú ý trong chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống Mỹ. Và những tương tác của ông với Tổng thống Pháp sẽ làm nổi bật nhiều điều tương phản.

Ông Macron, 39 tuổi, lên nắm quyền theo cách đôi chút giống ông Trump. Nhưng với sự khéo léo chính trị bất ngờ, ông Macron nhanh chóng thay đổi bộ mặt chính trị Pháp theo cách mà ông Trump, 71 tuổi, chưa thể làm được ở Mỹ, bằng cách chiến thắng cuộc bầu cử nghị viện ngay sau đó và thổi bùng tâm trạng lạc quan của người dân sau nhiều nhiệm kỳ tổng thống thất bại trước đó.

Ông Macron đang trở thành ngôi sao mới nổi trên vũ đài toàn cầu và được coi như một điểm tựa và một nhà lãnh đạo của phương Tây, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, ông Macron sẽ đón 2 nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất thế giới, ông Putin và ông Trump.

Dù có một số chỉ trích trong tầng lớp chính trị Pháp, các cuộc gặp song phương này nhìn chung được coi là một cuộc “đảo chính” ngoại giao thành công, đánh dấu việc Pháp trở lại tiêu điểm ngoại giao”, bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc văn phòng Paris của Quỹ Marshall Đức, nhận xét.

Giống ông Macron, ông Trump cũng giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng khi ông Macron ngày càng đi lên, ông Trump bị đánh giá là đã lúng túng trong cuộc khủng hoảng chính trị ngay sau khi ông tuyên thệ.

Nhiều lãnh đạo thế giới coi ông như người chống lại những điều mà phương Tây đại diện. Ông khiến người châu Âu nổi giận khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và bị coi là tác nhân tạo nên tư tưởng không vị tha, không khoan dung và bất ổn trong các tầng lớp chính trị khắp châu Âu.

Khi ông Trump không hòa hợp với bà Merkel, ông Macron đang cho thấy ông đang bắc cây cầu giữa Mỹ và châu Âu. Nhà lãnh đạo mới của Pháp dường như cũng muốn cho thấy rằng, dù có nhiều khác biệt rõ rệt trong vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại, liên minh giữa Pháp và Mỹ vẫn quan trọng để bảo đảm trật tự thế giới.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Pháp - Mỹ, bất kể những bất đồng có thể đang tồn tại”, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Pháp.

MỚI - NÓNG