Trên diện tích khoảng 2,5ha, làng Việt cổ Cố Viên Lầu ở Ninh Bình đã tái hiện lại không gian làng quê Bắc Bộ đậm chất truyền thống, đủ các nếp nhà xưa.
Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Không gian làng Việt cổ - Cố Viên Lầu nằm bên bến đò vào khu du lịch Tam Cố - Bích Động thuộc huyện Hoa Lư (Ninh Bình), cách thành phố Ninh Bình khoảng 5km về phía Tây Nam. Phía Đông của ngôi làng cổ này giáp với đền Thái Vị nơi thờ các vị vua nhà Trần. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là nơi để du khách trong và ngoài nước đến tham quan “Hạ Long cạn” với những điều kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Ninh Bình. Với diện tích khoảng 2,5ha, làng Việt cổ Cố Viên Lầu được quy hoạch sát bên bờ sông, có núi non, ruộng vườn, đồng quê với phong cảnh hữu tình. Kiến trúc của làng Việt cổ được xây dựng tại đây mang đậm nét thuần Việt của làng quê Bắc Bộ. Ngôi làng này hiện nay có gần 30 ngôi nhà cổ với đủ các kiểu dáng, kiến trúc từ các địa phương khác nhau như: Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống (Thanh Hóa); Kim Sơn (Ninh Bình); Tiền Hải (Thái Bình); Thanh Liêm (Hà Nam)…
Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở làng Việt cổ Cố Viên Lầu
Ngôi nhà có tuổi đời ít nhất là trên 100 năm tuổi, ngôi nhà có tuổi đời cao nhất là 200 năm tuổi. Trải qua thời gian dài nhưng chúng vẫn còn được giữ nguyên trạng, hình dáng ban đầu. Mỗi ngôi nhà được quy tụ về đây đều có một câu chuyện riêng đặc biệt, có niên đại từ thế kỷ XVIII – XX. Bên trong mỗi ngôi nhà có các dụng cụ sinh hoạt, nội thất gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam xưa. Trải qua thời gian dài được lưu giữ lại, những cổ vật này hiện nay đang có giá trị văn hóa cao
Đường làng, ngõ xóm, quán nước chè đều thể hiện không gian xưa
Không gian trong làng được bài trí với đường làng quanh co, ngõ xóm nối liền nhau, cây đa, bến nước, sân đình, con đò.... Đến mỗi căn nhà có một kiểu ngõ vào phù hợp với nhà và tường rào bao quanh… Trong làng không chỉ có nhà dân mà còn có đình làng, đây là ngôi đình cổ được đưa về từ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) với diện tích hơn 100m2. Các cột lim của ngôi đình cổ đen nhẵn, mái cong vút, bên trong bài trí bàn ghế như ngôi đình xưa được tổ chức họp làng mỗi khi có việc hệ trọng.
Cổ vật không chỉ trưng bày trong nhà mà còn được gắn lên cổng, tường mỗi căn nhà
Đến thăm làng Việt cổ - Cố Viên Lầu, du khách không chỉ được sống trong không gian thơ mộng, yên tĩnh của cuộc sống làng quê Bắc Bộ xưa mà còn được chiêm ngưỡng những nét văn hóa, tinh hoa, nghệ thuật xây dựng của người xưa với những nét chạm khắc tinh sảo, kiến trúc xây dựng âm dương độc đáo của mỗi ngôi nhà và các cổ vật với đủ chủng loại, niên đại khác nhau…
Đặc biệt, khi đến thăm ngôi làng Việt cổ này, du khách còn được ghé thăm ngôi nhà “có một không hai” trong làng, đó là căn nhà của gia đình chị Dậu (nhân vật trong tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố). Căn nhà này được phục dựng theo nguyên mẫu nhà chị Dậu với 3 gian chính. Vật liệu làm nhà chủ yếu là tre, nứa, đất sét, rơm, rạ…
Nhà có một cửa chính đi vào ở gian giữa, hai bên hai cửa sổ, trong nhà có các dụng cụ sinh hoạt như chõng tre, giường tre, bàn ghế tre… Ngoài căn nhà chính còn có bếp, sân vườn với đống rơm, chum đựng nước, cối xay lứa, cày, bừa, cối giã gạo, hàng rào tre…
Nhà được phục dựng bằng tranh tre, nứa lá, có các dụng cụ sinh hoạt thể hiện sự nghèo khó một thời
Bà Đinh Thị Phương, nhân viên tại làng Việt cổ cho hay, du khách khi đến tham quan rất thích thú với căn nhà tranh vách đất của gia đình chị Dậu. Nhiều người đã từng đọc qua tác phẩm, biết đến chị Dậu nhưng chưa ai được thấy ngoài đời về nơi ở của chị Dậu.