Theo Reuters, các nhân viên cứu hộ Indonesia sẽ chấm dứt công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân trên đảo Sulawesi từ ngày 11/10. Việc sơ tán cũng kết thúc vào ngày này. Ông Nugroho nói: “Các nạn nhân không tìm thấy sẽ được tuyên bố là mất tích. Một số cuộc tìm kiếm giới hạn sẽ vẫn được tiếp tục, nhưng các cuộc tìm kiếm quy mô lớn với nhiều nhân lực và các thiết bị hạng nặng sẽ tạm dừng”.
Tính đến nay, hàng trăm người vẫn đang bị chôn vùi trong bùn đất và đám đổ nát ở miền nam thành phố Palu, nơi nhiều người đang tuyệt vọng tìm cách tìm kiếm người thân. Ngày 6/10, hàng chục nhân viên cứu hộ đã kéo được 34 thi thể ra khỏi một khu vực.
Ông Nugroho cho biết, đống đổ nát sẽ được dọn dẹp và sẽ được biến thành những không gian công cộng như công viên, sân vận động. Các cuộc thăm dò sẽ được thực hiện để người dân tự quyết định có tiếp tục sống ở nơi nguy hiểm này hay chuyển đi nơi khác.
Một ông bố rất thất vọng khi biết công việc tìm kiếm nạn nhân sẽ kết thúc trong vài ngày tới. Đó là anh Ondre, 38 tuổi, có vợ và hai cô con gái bị sóng thần cuốn đi ngay sau trận động đất. Anh đã tìm được thi thể của vợ và cô con gái lớn, nhưng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cô con gái 2 tuổi. Trước nấm mồ chôn tập thể trên đồi nhìn ra vịnh Palu trước lúc hoàng hôn, Ondre cho biết, anh luôn cầu nguyện cho con gái bé bỏng vì tâm hồn anh không thanh thản. Bởi lẽ, anh không muốn con gái thấy cha của nó không cố gắng đi tìm con.
Theo ông Nugroho, sở dĩ số người chết và mất tích tại Indonesia nhiều do người dân chưa biết cách đối phó khi thảm họa xảy ra. Không giống như các quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất, sóng thần như Nhật Bản, New Zealand, công tác giáo dục và các bài tập cách phòng tránh về động đất không được diễn ra thường xuyên. Ông Denis McClean, một phát ngôn viên của Cơ quan giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc cho biết, chỉ có nhận thức của công chúng mới có thể cứu họ trong những trường hợp này.