Tham gia xây dựng luật quốc tế để bảo vệ lợi ích của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc từng bước tham gia đóng góp xây dựng luật chơi, tham gia pháp điển và phát triển luật pháp quốc tế có thể giúp Việt Nam kịp thời đưa ra các quan điểm phù hợp với lợi ích, chủ trương của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Tham gia xây dựng luật quốc tế để bảo vệ lợi ích của Việt Nam ảnh 1

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: Mofa)

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu vừa cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam luôn coi trọng và thúc đẩy vận dụng luật pháp quốc tế (LPQT) nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Hiến pháp năm 2013 khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Từ chỗ chủ yếu tiếp thu, tham gia các tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế đã hình thành trước đây, vận dụng LPQT để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, Việt Nam chuyển sang từng bước tham gia đóng góp xây dựng luật chơi, tham gia pháp điển và phát triển LPQT nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia đồng thời đóng góp thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững.

Những bước đi cụ thể

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tăng cường sự tham gia tại các diễn đàn pháp lý đa phương, như Ủy ban các vấn đề pháp lý (Ủy ban VI) của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Tham vấn pháp lý Á - Phi (AALCO).

Đáng chú ý, Việt Nam đắc cử trong những kỳ bầu cử với tính cạnh tranh cao, giành được quyền hiện diện tại các cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng như Ủy ban Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Ủy ban LPQT Liên hợp quốc (ILC).

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá những diễn đàn pháp lý này không những đóng vai trò nghiên cứu, pháp điển hóa luật pháp quốc tế, mà còn là nơi xem xét, nghiên cứu các vấn đề pháp lý mới phát sinh, có liên hệ chặt chẽ với lợi ích các quốc gia, như các vấn đề biển và đại dương, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an ninh mạng, giải quyết tranh chấp trong đầu tư…

Tại các diễn đàn này, Việt Nam kịp thời đưa ra các quan điểm phù hợp với lợi ích, chủ trương của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam thúc đẩy các chủ đề pháp lý thực tiễn, sát sao với lợi ích của các nước đang phát triển như môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… được các nước ủng hộ, đánh giá cao và ngày càng tín nhiệm.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ pháp lý của Việt Nam nói riêng và cán bộ đối ngoại nói chung cũng được tạo cơ hội để từng bước trưởng thành, vươn tới trình độ tiệm cận với khu vực và thế giới cả về chuyên môn và kỹ năng.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, việc Việt Nam bổ nhiệm trọng tài viên tại Tòa Trọng tài thường trực từ năm 2012-2024 từ các cơ quan trong nước; có chuyên viên làm việc tại các cơ quan pháp lý quốc tế, trong đó có Ban Thư ký ASEAN, Tòa Luật Biển quốc tế (ITLOS), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và hai nhiệm kỳ liên tiếp có đại diện tại ILC là “minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế”.

Vừa qua, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vị trí thành viên ILC nhiệm kỳ 2023-2027 và PCA thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội là văn phòng thứ tư của PCA ngoài trụ sở chính tại The Hague (Hà Lan). Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, điều này nói lên 4 ý nghĩa lớn.

Một là, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về hội nhập toàn diện, sâu rộng, trong đó có hội nhập về pháp lý.

Hai là, phản ánh thông điệp nhất quán của Việt Nam về ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đề cao LPQT.

Ba là, tạo điều kiện cho việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý quốc tế của PCA trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự ghi nhận và tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực LPQT, minh chứng cho vị thế của Việt Nam trên bản đồ pháp lý quốc tế.

Bốn là, mở ra cơ hội đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ pháp lý Việt Nam, tạo điều kiện tăng cường hiệu quả bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng LPQT.

3 nhiệm vụ

Thời gian tới, để nâng cao tiếng nói của Việt Nam trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chỉ ra những ưu tiên của Bộ Ngoại giao trong triển khai một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành nghiên cứu, xây dựng chủ trương và quan điểm đối với các vấn đề pháp lý quan trọng, mới nảy sinh, liên quan sát sườn tới lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển, như vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vấn đề tội phạm mạng.

Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện tại các diễn đàn pháp lý quốc tế, tham gia sâu và đóng góp thực chất hơn vào việc nghiên cứu và xây dựng các dự thảo báo cáo, dự thảo Công ước là nền tảng cho luật quốc tế trong tương lai.

Thứ ba, tiếp tục đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ pháp lý quốc tế về chất và lượng với định hướng lâu dài; tạo điều kiện để cán bộ pháp lý của Việt Nam cọ xát, làm việc trực tiếp tại các cơ quan nghiên cứu, các cơ chế xét xử nhằm trau dồi, tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, tạo kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên gia pháp lý quốc tế trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG