Thẩm định Dự án Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Chưa thông qua

Thẩm định Dự án Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Chưa thông qua
TP - Hôm qua 28-11, hội đồng thẩm định của Bộ Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức phiên họp kín đầu tiên để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (ĐN 6&6A).

> DA thủy điện Đồng Nai 6&6A không thể là công trình Quốc phòng
> Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Có thể thành công trình quốc phòng (!?)

Theo một số thành viên hội đồng thẩm định, cuộc họp kéo dài hơn so với dự kiến gần hai giờ đồng hồ với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Đặc biệt, báo cáo ĐTM của chủ đầu tư chưa được hội đồng thẩm định thông qua.

Có thực dân đồng tình?

Ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường (Bộ TNMT) cho hay, trong cuộc họp, chủ đầu tư dự án - Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã trình bày tóm tắt ĐTM của dự án.

Sau đó, các thành viên hội đồng thẩm định phát biểu những quan điểm, ý kiến của mình đối với ĐTM của dự án thủy điện 6&6A. Nội dung chính của cuộc họp tập trung vào vấn đề pháp lý và tác động môi trường của dự án thủy điện này.

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, thành viên hội đồng thẩm định dự án ĐN 6&6A có nhiều ưu thế so với các dự án thủy điện khác như sử dụng rất ít đất, rừng, v.v…

Tuy nhiên, ông Lung đặt ra vấn đề thủy điện ĐN 6&6A tham gia vào quá trình vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai như thế nào khi trên dòng sông Đồng Nai hiện nay, có tới 13 nhà máy thủy điện và Chính phủ đã có chỉ thị về vận hành liên hồ chứa đối với hệ thống các nhà máy thủy điện này.

TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, thành viên hội đồng thẩm định, cho biết ĐTM của hai dự án này chưa đủ điều kiện để xem xét thông qua.

Ông Trường nhấn mạnh vấn đề chính cần xem xét là dự án làm mất vĩnh viễn nhiều diện tích rừng. Theo ông Trường, báo cáo ĐTM cho biết tổng diện tích rừng bị mất vĩnh viễn của hai dự án là 278 ha.

Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo này chưa tính đến diện tích đất rừng dùng cho tuyến truyền tải điện. Vì thế, diện tích rừng bị mất vĩnh viễn sẽ cao hơn con số đưa ra tại báo cáo. Ông cũng lưu ý chủ đầu tư chưa tính đến trường hợp vỡ đập.

Đặc biệt, theo ông Trường, hai dự án đều phạm vào vùng nhạy cảm, tác động trực tiếp đến vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ông Trường hoài nghi kết quả khảo sát ý kiến các hộ dân tại xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng), xã Đồng Nai (Bù Đăng, Bình Phước), nơi dự kiến đặt hai nhà máy thủy điện ĐN 6&6A.

Theo báo cáo ĐTM chủ đầu tư,cư dân ở các vùng này đều đồng tình với việc xây dựng dự án. “Vậy có thể cho biết đại diện cộng đồng dân cư mà chủ đầu tư đề cập đến gồm cụ thể những ai được không? Rồi danh sách của nhóm điều tra xã hội học, phiếu tham vấn cộng đồng? Ông đề nghị chủ đầu tư cần giải thích rõ hơn vấn đề này.

Quan ngại về tính hợp pháp

Tại buổi họp đầu tiên, nhiều chuyên gia tiếp tục bày tỏ quan ngại về tính hợp pháp của dự án. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo Điều 11 của Luật Đa dạng sinh học phải được ưu tiên.

Ngoài ra, Quyết định 1419/2012 của Thủ tướng đã xếp Vườn quốc gia Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản Văn hóa.

Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên hội đồng thẩm định, trong buổi họp hôm nay, cơ bản các thành viên hội đồng thống nhất ý kiến dự án này phải tuân thủ theo các văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, buổi họp chưa phân tích việc thủy điện ĐN 6&6a có phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành hay không.

Đối với luật Di sản Văn hóa, vẫn theo ông Tứ, buổi họp hôm nay vắng TS Lê Đức Chương (Vụ trưởng vụ Khoa học, Công nghệ và MT thuộc Bộ VH, TT&DL), một thành viên hội đồng thẩm định.

Tuy nhiên, Bộ VH,TT&DL đã có câu trả lời bằng văn bản. Theo đó, Bộ VH, TT & DL cung cấp các văn bản pháp lý liên quan và đề nghị các thành viên hội đồng thẩm định nghiên cứu các văn bản này.

Ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá ĐTM, đề nghị chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm rõ các vấn đề mà các thành viên hội đồng thẩm định hôm nay nêu ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.