Thải nhiều rác, phải trả nhiều tiền

Rác thải tại một khu dân cư ở Vĩnh PhúcẢnh: NGUYỄN HOÀI
Rác thải tại một khu dân cư ở Vĩnh PhúcẢnh: NGUYỄN HOÀI
TP - Người dân sống ở đô thị sẽ phải mua túi rác chuyên dụng do đơn vị được chỉ định bán ra. Chi phí túi đựng rác đã gồm cả chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Đây là kinh nghiệm của Hàn Quốc, được Việt Nam dự kiến áp dụng tại các đô thị lớn, nhằm đảm bảo nguyên tắc, càng thải nhiều rác, càng phải trả nhiều tiền. 

Bắt buộc phân loại

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, ban soạn thảo đã tiếp thu và học tập nhiều kinh nghiệm trong quản lý môi trường của Hàn Quốc, trong đó có vấn đề rác thải sinh hoạt.

TS Kim In Hwan, chuyên gia chính sách của Bộ Môi trường Hàn Quốc chia sẻ, tại Hàn Quốc, rác được phân làm nhiều loại, mỗi loại sẽ để trong một loại túi với màu sắc tương ứng. Với các loại cồng kềnh, không thể cho vào túi đựng rác, người dân liên hệ với đơn vị thu gom rác.

Theo ông Hwan, việc này giúp Hàn Quốc tái chế được tới 59% chất thải rắn, chỉ 25% đốt và 16% là chôn lấp. Những người vứt rác bừa bãi hay không sử dụng túi rác quy định sẽ bị phạt nặng.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, dự thảo luật lần này quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị được tính dựa trên khối lượng phát sinh thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

“Khi đó, việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải trả nhiều tiền hơn, điều này khác với việc thu bình quân theo hộ gia đình hoặc thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình hiện nay”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, khi quy định này đi vào thực tế sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Sẽ không thu gom rác nếu không dùng túi chuyên dụng

Theo chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, hiện nay Hà Nội thu tiền phí rác thải là 6.000 đồng/người/tháng. Người thải nhiều hay thải ít có cùng mức đóng như nhau. Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác ra môi trường, không thực hiện được phân loại rác tại nguồn. Ở nước phát triển, nguyên tắc triệt để là người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng xả nhiều rác, càng gây nhiễm, càng phải trả nhiều tiền.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Tổ chức sống và học tập vì môi trường và cộng đồng chia sẻ, ở thủ đô Brussels của Bỉ, việc sử dụng các túi rác khác nhau giúp người dân rất dễ dàng phân loại tại nguồn. Còn ở Nhật, nhà nước chỉ trợ giá cho một số túi nhất định, sau đó người dân phải trả tiền khá cao để mua túi đựng rác chuyên dụng.

Trước câu hỏi làm thế nào để quy định trên có tính khả thi? Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, dự thảo Luật quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định.

Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Việc này thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Để tránh tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra công cộng theo ông Hiền, Luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào cuối năm nay.

MỚI - NÓNG