Thái Lan tìm người thay thế thủ tướng bị bãi nhiệm

TPO - Đảng lớn nhất trong chính phủ lâm thời của Thái Lan sẽ họp ngay trong hôm nay (15/8) để chọn thủ tướng kế nhiệm, sau khi ông Srettha Thavisin bị Toà án Hiến pháp bãi nhiệm.
Thái Lan tìm người thay thế thủ tướng bị bãi nhiệm ảnh 1

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái chính trị gia kỳ cựu Thái Lan Thaksin Shinawatra. (Ảnh: Getty)

Thái Lan một lần nữa rơi vào biến động chính trị chưa đầy 1 năm sau khi ông Srettha lên nắm quyền. Đảng Pheu Thai đang vất vả giữ quyền kiểm soát và thực hiện chương trình nghị sự dân túy bị đình trệ, trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan về việc bãi nhiệm ông Srettha trở thành đòn giáng mạnh vào đảng Pheu Thai sau nhiều năm đối đầu với phe bảo hoàng.

Pheu Thai phải chọn một trong hai ứng cử viên đủ điều kiện: Cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri và bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ông Srettha là thủ tướng thứ tư của đảng này bị Toà án Hiến pháp bãi nhiệm. Sự ra đi của ông được xem là dấu hiệu cho thấy thoả hiệp giữa ông Thaksin với những đối thủ trong phe bảo thủ và quân đội có thể đã sụp đổ. Thoả hiệp này từng giúp ông Thaksin trở về Thái Lan sau nhiều năm sống lưu vong và đưa ông Srettha trở thành thủ tướng, theo Reuters.

Pheu Thai đã nhanh chóng hành động để bảo vệ lợi thế của mình. Tối 14/8, các phương tiện truyền thông Thái Lan phát sóng trực tiếp chuyến thăm của các đối tác liên minh đến nơi ở của ông Thaksin (75 tuổi), người sáng lập và là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong đảng.

"Họ muốn quyết định một cách dứt khoát... Càng kéo dài, các cuộc tranh cãi và đấu tranh quyền lực sẽ tiếp diễn", ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nhận xét.

Việc triệu tập Quốc hội Thái Lan chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm trái ngược với tình hình chính trị Thái Lan vào năm ngoái, khi phải mất hai tháng sau cuộc bầu cử mới diễn ra phiên họp để phê chuẩn thủ tướng mới.

Liên minh 11 đảng đang nắm 314 ghế tại quốc hội và dự báo sẽ không gặp khó khăn trong việc bầu thủ tướng mới.

Để trở thành thủ tướng Thái Lan, một ứng cử viên cần nhận được sự chấp thuận của hơn một nửa trong số 493 nghị sĩ hiện tại.

Pheu Thai phải quyết định chọn ông Chaikasem, một người có thâm niên trong đảng, hay trao cơ hội đầu tiên cho bà Paetongtarn. Việc lựa chọn nữ chính trị gia 37 tuổi có thể vấp phải phản ứng dữ dội giống như đã xảy ra với cha và dì Yingluck Shinawatra của bà. Cả hai đều bị lật đổ bằng đảo chính trước khi phải chạy ra nước ngoài để tránh phải ngồi tù.

"Nếu là Paetongtarn, bà ấy sẽ bị tấn công... Nếu bạn hỏi ông Thaksin, có lẽ ông ấy muốn con gái làm thủ tướng. Bà Paetongtarn sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Nếu Pheu Thai không thể làm được gì nữa, thì đây có thể là sự kết thúc của gia đình Shinawatra trong đời sống chính trị Thái Lan”, ông Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, nhận định.

Theo Reụters
MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.