Sau Tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4 và 1/5 được xem là mùa hốt bạc tiếp theo của các nhà làm phim. Năm nay rạp chiếu chứng kiến sự đổ bộ của nhiều phim ngoại, trong khi số lượng phim Việt lại ít ỏi.
Trong đó, Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải và Cái giá của hạnh phúc - có Thái Hòa đóng chính - là những dự án đáng chú ý, được kỳ vọng sẽ vực dậy doanh thu phim Việt sau thời gian dài thua lỗ.
Thái Hòa tiếp tục đụng độ Lý Hải
Năm ngoái, Thái Hòa và Lý Hải từng có phim đối đầu vào dịp lễ 30/4 và 1/5. Kết quả khá tích cực khi Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh - Lý Hải đạo diễn - tạo cơn sốt với hơn 273 tỷ đồng tại phòng vé, hiện đứng thứ tư trong danh sách các phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Dù có kém cạnh, Con Nhót mót chồng - Thái Hòa đóng chính - vẫn có doanh thu khả quan khi đạt hơn 76 tỷ đồng.
Năm nay, Thái Hòa và Lý Hải tiếp tục là những cái tên thu hút sự chú ý của khán giả. Trong đó, dự án Cái giá của hạnh phúc gây được sự chú ý từ khi chốt lịch ra rạp.
Thái Hòa là yếu tố giúp Cái giá của hạnh phúc được khán giả chú ý. |
Trước ngày phát hành một tháng, đạo diễn bất ngờ công bố dời lịch chiếu của phim sớm hơn một tuần - 19/4 thay vì 26/4 như ấn định từ trước. Theo ê-kíp, quyết định được đưa ra nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Lật mặt 7 của Lý Hải - cũng ra mắt ngày 26/4.
Thực tế, việc dời lịch không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả cuộc đấu giữa hai phim. Song, việc chiếu sớm một tuần giúp Cái giá của hạnh phúc có nhiều cơ hội đến gần với khán giả hơn vì không phải cạnh tranh với đối thủ mạnh.
Khi ra mắt, phim của Thái Hòa nhanh chóng vượt mặt bom tấn Godzilla x Kong: Đế chế mới để đứng đầu bảng xếp hạng của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Tác phẩm đạt hơn 10,4 tỷ đồng trong ba ngày đầu tiên, hiện tổng doanh thu hơn 19 tỷ đồng. Thành tích này không quá lớn nhưng cho thấy Thái Hòa vẫn là cái tên hút khách, bảo chứng cho thành công của tác phẩm.
Tuy nhiên, dự án lại tạo ra luồng tranh luận về chất lượng. Dù diễn xuất của Thái Hòa vẫn ấn tượng nhưng kịch bản phim được triển khai chưa chắc chắn, nhiều tình tiết còn khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Diễn xuất của các diễn viên trẻ cũng mờ nhạt, không để lại nhiều ấn tượng.
Diễn xuất của Thái Hòa trong phim được đánh giá cao nhưng kịch bản còn hạn chế. |
Khả năng Lý Hải tạo cơn sốt mới
Trong khi đó, Lật mặt 7: Một điều ước được chờ đợi từ khi công bố sản xuất. Ê-kíp cũng có nhiều kinh nghiệm thực hiện các phần trước nên áp dụng chiến lược truyền thông rầm rộ từ khi tuyển chọn diễn viên đến ngày bấm máy.
Tính đến hiện tại, Lật mặt là thương hiệu ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt, với tổng doanh thu lên đến hơn hơn 700 tỷ đồng. Sau tám năm, Lý Hải cũng khẳng định được tên tuổi trong nghề, là một trong những nhà làm phim được lòng khán giả nước nhà.
Trước đó, Lý Hải có nhiều thay đổi về phong cách làm phim qua các phần Lật mặt để tạo sự mới mẻ cho khán giả. Đơn cử, Lật mặt 3: Ba chàng khuyết (2018) chọn phong cách hài - kinh dị hay Lật mặt: 48h tập trung vào phần hành động với nhiều cảnh rượt đuổi nghẹt thở.
Gần nhất, Lý Hải chọn phong cách giật gân, cài cắm nhiều cú twist để luồn lái câu chuyện trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, từ đó mang đến nhiều bất ngờ cho người xem. Đó cũng là lý do dự án gây sốt và đạt doanh thu cao.
Năm nay, một lần nữa Lý Hải lại quyết định thay đổi phong cách với Lật mặt 7: Một điều ước. Anh mạnh dạn lược bỏ các yếu tố hành động, hài hay giật gân từng giúp thương hiệu Lật mặt thành công để chuyển sang một hướng đi hoàn toàn mới.
Nội dung phim đơn giản, kể về bà Hai (Thanh Hiền) - một người phụ nữ lớn tuổi có đến 5 người con. Khi mỗi người trưởng thành cũng là lúc họ phải đối diện với những khó khăn riêng trong cuộc sống, để rồi không còn thời gian quan tâm, chăm sóc mẹ già.
Hình ảnh trong Lật mặt 7: Một điều ước do Lý Hải đạo diễn. |
Một ngày, bà Hai gặp tai nạn và phải ngồi xe lăn, khiến tất cả người con đều lo lắng. Đáng buồn, không có ai đủ khả năng để chăm sóc mẹ khi bà ốm yếu.
Theo ê-kíp, bộ phim sẽ đan xen hai tuyến truyện: Một kể về bà Hai khi còn trẻ, một khai thác những khó khăn mà gia đình đang đối diện ở hiện tại.
Câu chuyện hơi hướm tình cảm gia đình, gợi nhớ một số tác phẩm như Bố già hay Nhà bà Nữ. Nếu kịch bản không chắc chắn hoặc Lý Hải xử lý không khéo, nhiều khả năng tác phẩm sẽ khó lòng chạm được đến người xem, nhất là những khán giả khắt khe.
Dẫu sao, sự xuất hiện của Lý Hải, Thái Hòa cũng giúp cho thị trường phim Việt sôi động trở lại sau thời gian dài bị phim ngoại vượt mặt, với các tác phẩm thua lỗ nặng nề như Quý cô thừa kế 2 hay Đóa hoa mong manh.
Cuộc song đấu không khiến cho bên nào chịu thiệt thòi mà lại tạo cơ hội cho cả hai phim đến gần khán giả hơn.
Tuy nhiên, việc năm nay số lượng phim ra rạp ít ỏi cũng cho thấy điện ảnh Việt đang khá bấp bênh. Khán giả cần có nhiều hơn nữa các tác phẩm hay để thưởng thức tại rạp chiếu, thay vì cứ phải trông đợi vào những cái tên quen thuộc như Lý Hải hay Thái Hòa.