Cái giá của hạnh phúclà phim Việt do Xuân Lan đầu tư sản xuất, chồng cô Nguyễn Ngọc Lâm đạo diễn. Dự án gây chú ý vì đánh dấu sự trở lại của Thái Hòa, cũng là lần đầu anh đóng cặp với Xuân Lan.
Tác phẩm ra mắt vào thời điểm rạp chiếu chứng kiến sự đổ bộ của phim ngoại, do đó được kỳ vọng tạo cú nổ tại phòng vé sau thời gian phim Việt thua lỗ nặng nề.
Kịch bản còn khiên cưỡng
Nội dung phim xoay quanh một gia đình doanh nhân giàu có và nổi tiếng danh giá. Dù không được lòng ông Võ bố vợ (Hữu Châu), Thoại (Thái Hòa) vẫn cưới Dương (Xuân Lan) và lập tức đổi đời, dần bước chân vào giới thượng lưu.
Thái Hòa và Xuân Lan vào vai cặp vợ chồng giàu có trong phim. |
Bất ngờ, con trai lớn Will (Lâm Thanh Nhã) tuyên bố sẽ lấy vợ là một diễn viên trẻ. Cô con gái út Nina (Uyển Ân) đi du học xa nhà nhiều năm cũng trở về để dự đám cưới, chúc phúc cho anh trai.
Từ đó, nhiều góc khuất gia đình được hé lộ, dẫn đến cái kết gây sốc cho người xem.
Kịch bản phim đơn giản, dựa trên câu chuyện do Xuân Lan sáng tạo. Ban đầu, phim có tên là Vũ trụ tiểu tam nhưng được đổi lại cho hợp lý.
Trước Cái giá của hạnh phúc, nhiều phim Việt từng khai thác đề tài ngoại tình, góc khuất của thế giới thượng lưu như Mưu kế thượng lưu, Chiếm đoạt, Trà… hay gần nhất là Quý cô thừa kế 2.
Do đó, ý tưởng phim không mới, lặp lại nhiều tình tiết quen thuộc trong các phim cùng chủ đề. Bù lại, ê-kíp cố gắng lồng ghép nhiều cú twist để tạo bất ngờ cho khán giả.
Song, không phải lúc nào thủ pháp này cũng hiệu quả. Một số tình tiết còn mang tính khiên cưỡng, thiếu logic. Đơn cử như việc bố vợ ngang nhiên ngoại tình với con dâu ngay trong biệt thự sau đám cưới, hay việc vợ dễ dàng điều tra chồng và giải quyết vấn đề nhanh chóng bằng tiền.
Hình ảnh chăm chút
Tác phẩm là phim đầu tay của Nguyễn Ngọc Lâm. Tuy nhiên, khán giả khó thể nhận ra điều này nếu không biết thông tin về đạo diễn. Bởi lẽ, anh rất chăm chút về mặt hình ảnh, giúp câu chuyện trở nên sống động hơn.
Từng góc quay, bối cảnh đều được tính toán cẩn thận để dẫn dắt cảm xúc của người xem.
Một vài hình ảnh trong phim. |
Bối cảnh căn biệt thự siêu sang được khai thác tốt. Từ thiết kế căn phòng đến cách trang trí đồ vật đều toát lên được cảm giác sang trọng hiếm thấy.
Nhà làm phim cũng liên tục thay đổi góc máy thay đổi để tạo cảm giác mới lạ, giúp tác phẩm khác biệt với nhiều phim Việt.
Tuy nhiên, đạo diễn xử lý nhịp điệu phim chưa tốt khiến thời lượng dài (115 phút). Một số cảnh rườm rà không cần thiết, lại có phân đoạn hơi sến và cũ như khi cặp đôi LGBT+ khóc lóc thảm thiết, gợi nhớ phong cách phim melodrama thập niên trước.
Tâm lý của nhân vật chính cũng được khai thác theo hướng đau khổ, vật vã, đôi lúc tạo cảm giác mệt mỏi.
Xuân Lan được ưu ái
Diễn xuất trong phim có sự chênh lệch rõ ràng. Các diễn viên nhiều kinh nghiệm như Thái Hòa, Xuân Lan, Hữu Châu không khiến khán giả phải thất vọng, nhưng dàn diễn viên trẻ như Lâm Thanh Nhã, Uyển Ân không để lại nhiều ấn tượng.
Xuân Lan là nữ diễn viên được ưu ái với nhiều đất diễn. Ban đầu, cô tạo được ấn tượng tốt với lối diễn nặng về tâm lý. Song, càng về cuối thì nữ diễn viên chưa thể hiện được nhiều sự đa dạng trong cách xử lý nhân vật.
Xuân Lan có nỗ lực chứng minh diễn xuất nhưng cách xử lý nhân vật còn thiếu sự đa dạng. |
Thái Hòa chứng tỏ bản lĩnh diễn xuất ở những đoạn tâm lý nặng đô, đặc biệt là cú twist cuối phim. Trong khi đó, các gương mặt trẻ như Lâm Thanh Nhã, Trương Thanh Long hay Trâm Anh chỉ ở mức tròn vai.
Đáng tiếc nhất là Uyển Ân – em gái Trấn Thành, từng đóng chính trong Nhà bà Nữ (2021). Cô xuất hiện với một nhân vật mờ nhạt, lối diễn cũng kém ấn tượng.
Cái giá của hạnh phúc ra mắt vào thời điểm phim Việt đang chịu thua lỗ sau thất bại của các phim Quý cô thừa kế 2, Đóa hoa mong manh. Tác phẩm cạnh tranh với B4S – Trước giờ “yêu” và loạt phim ngoại như Mùa hè của Luca, Tu viện máu, Anh hùng bàn phím...
Khi ra mắt, phim vượt mặt bom tấn Godzilla x Kong: Đế chế mới để đứng đầu bảng xếp hạng của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), hiện thu về hơn 14 tỷ đồng. Thành tích này không quá lớn nhưng vẫn cho thấy Thái Hòa vẫn là cái tên hút khách, bảo chứng cho thành công của tác phẩm.
Nhìn chung, Cái giá của hạnh phúc là phim có ý tưởng khá tốt nhưng cách triển khai kịch bản chưa chắc chắn. Dẫu vậy, phim vẫn có những cảnh quay đắt giá và tạo được cảm xúc với khán giả.
Nếu rút được kinh nghiệm từ tác phẩm đầu tay, có thể Nguyễn Ngọc Lâm sẽ là một đạo diễn sáng giá trong tương lai.