Tết tràn đầy ánh sáng

Tết tràn đầy ánh sáng
TP - Nằm sát nhà máy thủy điện Trị An, song mãi cho đến những ngày cận Tết Qúy Tỵ 2013, nhiều hộ dân ở xã vùng sâu Mã Đà, vùng căn cứ cách mạng thuộc huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) mới có điện. Người dân nơi đây đón một cái Tết trong niềm vui khôn tả kèm với nhiều dự định cho năm mới.

> Bị quên lãng trên hồ Trị An
> 'Gánh' nợ và lỗ: 3 tháng EVN tăng giá điện một lần?

Tết đầu tiên có điện

Đúng ngày 23 tháng chạp, trong khi chuẩn bị đưa ông Táo về trời thì 33 hộ dân ở tổ 4, ấp 7 (xã Mã Đà) được kéo điện vào nhà. Ông Trịnh Đình Lương-Bí thư chi bộ ấp 7 không nén được niềm vui: “Khi có điện, bà con mừng vô kể. Tối đến, cả xóm sáng rực chứ không còn cảnh tối om om như trước”.

Ông Lương cho biết, người dân đến định cư, lập nghiệp tại khu vực này từ những năm 1980. Mọi người mơ ước có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất từ rất lâu, nhưng mãi đến nay ước mơ đó mới trở thành hiện thực. Chính vì vậy, ngay khi nghe có dự án kéo điện về, người dân trong tổ, trong ấp ai cũng phấn khởi, ủng hộ và đóng góp.

Anh Đoàn Xuân Đức, một người dân trong tổ 4 cũng mừng rỡ không kém: “Người của ngành Điện lực lắp đồng hồ tới đâu, người dân phấn khởi đến đó. Sau khi đóng điện, cuộc sống của mình gần như thay đổi hẳn”.

Anh Đức kể, việc đầu tiên sau khi có điện là anh cũng như mọi gia đình trong xóm là mua sắm trang thiết bị sử dụng điện như ti vi, quạt máy, nồi cơm điện… Những đứa con anh không còn cảnh ngồi học bài dưới ánh đèn dầu tù mù như trước.

Ông Định Quốc Sơn-Quyền Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của ngành Điện thời gian qua mà trong năm 2012 ở Mã Đà có 126 hộ dân có điện. Riêng những ngày cận Tết này, có thêm 33 hộ dân được kéo điện vào nhà. “Bà con nơi đây được đón một cái Tết tràn đầy ánh sáng” - ông Sơn nói.

Giám đốc Điện lực Trị An (Công ty Điện lực Đồng Nai) Vũ Văn Quân cho biết, trong hai năm 2011 và 2012, ngành điện đầu tư 1,5 tỷ đồng đưa điện về Mã Đà, nâng tỷ lệ hộ dân trong xã có điện lên trên 77%. Trong năm 2013, ngành Điện tiếp tục đầu tư thêm 900 triệu đồng để kéo điện cho người dân vùng sâu Mã Đà và nâng tỷ lệ hộ dân trong xã có điện lên trên 90%.

Giảm 70% chi phí sản xuất

Ông Trần Văn Nhàn (62 tuổi) ở ấp 6, xã Mã Đà cho biết, từ ngày có điện (đầu năm 2012), ông chuyển qua sử dụng mô tơ điện để tưới nước cho vườn xoài rộng 1,1 ha thay cho máy bơm chạy dầu trước đó. Ông Nhàn tính toán: Nếu chạy máy dầu, mỗi tháng hết 6 can dầu, tương đương 1,6 triệu đồng.

Trong khi chạy bằng điện, mỗi tháng chỉ hết gần 500 nghìn đồng tiền điện. Tính sơ bộ, sử dụng điện để tưới nước vườn cây cũng như dùng ánh sáng sinh hoạt tiết kiệm được khoảng 70% chi phí.

Đấy là chưa kể sử dụng máy phát phải hết sức dè sẻn và không được thoải mái như điện. Cũng nhờ có điện bơm nước mà ông Nhàn mạnh dạn làm xoài nghịch mùa, nâng khoản lợi nhuận của gia đình mỗi năm lên 80 triệu đồng.

Ông Đoàn Xuân Đức cũng tính toán: Với 4 sào đất trồng xoài, mỗi lần tưới bằng máy nổ hết 100 nghìn tiền dầu, nhưng khi tưới bằng mô tơ điện chỉ hết khoảng 30 nghìn đồng, giảm đến 70% chi phí so với máy dầu.

Quyền Chủ tịch UBND xã Đinh Quốc Sơn cho biết, nông nghiệp chính của xã là cây xoài và điều. Cả xã có 1.504 ha điều và xoài, trong đó xoài chiếm 1.224ha. Với sự hỗ trợ của điện, nhất là trong khâu tưới nước, hai cây trồng chủ lực ở địa phương ngày càng phát triển mạnh.

Bí thư chi bộ Trịnh Đình Lương khẳng định: “Có điện thì phát triển rất nhanh”. Theo ông Lương, không chỉ phát triển về sản xuất mà văn hóa, xã hội tại địa phương ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG