Tết Tây ở 'phố Tây'

Giây phút bước sang năm 2020 ở phố Tây Ảnh: Trần Nguyên Anh
Giây phút bước sang năm 2020 ở phố Tây Ảnh: Trần Nguyên Anh
TP - Náo nhiệt, nồng cháy những nụ hôn, háo hức chờ bắn pháo hoa… Phút giao thừa ở phố Tây (Bùi Viện) kẹt cứng trong niềm vui và những lời chúc đầu năm dành cho những người không quen. 

Tiếng là phố Tây Bùi Viện, nhưng khu phố Tây ở TPHCM còn có Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… Khác với lệ thường, đêm giao thừa đón Tết Tây 2020 từ xẩm tối phố đông nghẹt. Quán xá tràn ngập trong ánh đèn màu và những cô gái nước ngoài cũng đội trên đầu những cái cài hình tai chuột nhấp nháy. Chương trình nghệ thuật được tổ chức tại sân khấu nhỏ, ngay dưới tấm biển phố đi bộ có gắn một cái nón khổng lồ. Nhưng xem ra người ta háo hức chờ xem bắn pháo hoa hơn cả. 

Tôi nhận ra khá nhiều người quen ở phố Tây. Đó là những chàng nghệ sĩ tóc dài lưng đeo cây đàn hoặc kèn. Michael chơi guitar nhưng không biết đi xe máy, tiền trả xe ôm xấp xỉ tiền cát sê mỗi tối 500.000 đồng. Michael trải qua những năm tháng khó khăn khi cô bạn gái “trời ơi đất hỡi” bỗng một hôm biến mất cùng với tiền bạc của anh ta. Song, Michael vẫn cứ ở cái phố Tây này và tôi thấy các cô gái chân dài vẫn vây quanh anh. 

Cách đó không xa, mấy anh chàng da màu mặc áo câu lạc bộ bóng đá của Việt Nam ngồi thư giãn trong quán và tham gia cùng là những người đàn bà góa. Một anh chàng da màu gầy gò chở những đứa con đi xem bắn pháo hoa, nói với tôi bằng tiếng Việt: “Tôi có 3 đứa con rồi. Vợ tôi là người Việt Nam, nhưng hôm nay cô ấy lại không đi chơi với tôi. Cô ấy bận việc”. 

Có lẽ khá đông người Việt đón Tết 2020 trong phố Tây là Việt kiều và du học sinh từ nước ngoài trở về. Ngồi kế tôi trong quá cà phê để chờ ngắm pháo hoa có 4 cô gái tuổi chừng 30, họ uống khá nhiều rượu vang ngâm trong nước đá, họ đều du học trở về và thích không khí đón Tết ngoài phố. Linh cho tôi xem hộ chiếu của cô với dấu xuất nhập cảnh chi chít: “Tôi thích đi du lịch và các bạn tôi cũng vậy. Thích cảm giác xê dịch”. Câu chuyện đang dở dang thì cả phố Tây bỗng ầm ỹ cả lên, tôi cùng Linh và đám bạn cô tất cả đổ ra đường. Pháo hoa đã bắn, năm 2020 đã đến!

“Xõa”

Từ phố Tây nhìn lên bầu trời chỉ thấy pháo hoa thấp thoáng sau tán lá cây và những tòa nhà cao tầng. Ngần đó cũng đủ là người ta ngây ngất. Những chàng trai, cô gái tóc vàng, mắt xanh, chen nhau chụp ảnh và quay những hình ảnh đón Tết giữa biển người. Hai anh chàng ôm nhau nhảy giữa phố. Mấy cô gái cùng chen vào một khuôn hình cùng hét lên “Happy New Year!”. Những cặp đôi, một Tây một Việt ôm eo nhau ngắm pháo hoa lặng im không nói gì. Một cô nàng da trắng mập ú ôm chặt anh chàng da màu gày gò và hôn lên má anh ta không ngừng. 

Một người bán hàng ở phố Tây nhiều năm nhận xét: “So với mọi năm thì năm nay phố Tây đông người đón giao thừa nhất! Không chỉ Tây mà dân ta cũng kéo đến phố Tây ăn Tết”.  

Một dịp để những kẻ giữ xe chặt chém. Giá gửi một chiếc xe máy là 50.000 đồng. Phố Tây mà, đơn giản là thích thì vào. 

Tôi còn nhớ cách đây dăm năm. Tôi cũng đón giao thừa ở phố Tây này cùng mấy người bạn ở Hà Nội vào. Trong cái quán chúng tôi ngồi, ngoài mấy người Việt là chúng tôi và phục vụ, còn lại là khách nước ngoài. Nhưng bây giờ mọi thứ đã đảo ngược. Trên phố, người Việt đông hơn người nước ngoài. Bàn ghế bày khắp đường bán bia và đồ nhậu. Rất nhiều hải sản, kể cả tôm, cá tươi. 

Một cô gái say mềm cố gắng gọi tắc xi để về nhà nhưng cô đổ gục ngay bên chiếc taxi trong lúc pháo hoa vẫn còn nổ trên bầu trời! 

Chào năm mới

Giờ phút giao thừa phố Tây kéo dài hơn mọi nơi khác. Khi pháo hoa đã dừng, pháo giấy được bắn khắp nơi và trước một quán mát-xa chân có rất nhiều pháo sáng được đốt lên. Đường sá bên ngoài đã tắc nghẽn, người đi xem pháo hoa trở về nhà. Phố Tây mọi thứ mới bắt đầu. 
Trên phố, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều nụ hôn đắm say thật sự. Những đôi trai gái mắt xanh da trắng, mắt đen da màu, không ngại ngần dính vào nhau dưới trời pháo giấy. Hello Việt Nam! Happy New Year! Giờ đây, những giây phút dành cho vòng tay. 

Tết Tây ở 'phố Tây' ảnh 1 Cặp đôi bên nhau đón giao thừa. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Một nữ du khách nước ngoài mặc bộ đồ đỏ rực như đấu sĩ đấu bò tót thấy tôi chụp ảnh trên phố Tây bèn dừng chân chào thân thiện: “Happy New Year!”. Cô lẻ loi len mình giữa những cặp tình nhân. Những anh chàng độc hành nhận được lời mời vào các club với những cô gái ăn mặc khá “bắt mắt”, đầu tóc nhuộm xanh đỏ rực lên. 

Đường phố vẫn rực rỡ sắc màu và những chàng trai cô gái đầu tóc đầy bọt trắng. Người bán hộp phun bọt gào to: “Hãy mua đi, chỉ 20.000 đồng một bình, có thể phụt trắng cả một góc phố”. Lúc sau, cả ngã ba phố Tây chìm trong bọt trắng! Những khuôn mặt, phủ đầy bọt trắng…

Làm gì giữ chân du khách?

Thống kê công bố năm 2017, TPHCM có lượng phòng lớn nhất cả nước, nhưng khách đến TPHCM chi tiêu không quá 300 USD và lưu trú tại TPHCM  không quá 1 ngày (?), trong khi tại Nha Trang là 3,5 ngày. Dũng, một nhân viên du lịch nhiều năm làm việc tại phố Tây nói: “Khách lưu trú tại TPHCM dài ngày không phải ít. Nhưng họ tâm sự với em là thông tin về nạn cướp giật móc túi khiến họ cực kỳ e ngại. Những điểm vui chơi cũng không nhiều. Du khách vượt hàng chục ngàn cây số tới TPHCM không phải để ngắm cảnh nhậu nhẹt, say xỉn ở phố Tây”. 

Khi giao thừa chưa vãn, một du khách nước ngoài đã đến gặp nhân viên trật tự để phản ảnh việc anh ta bị một gã thanh niên đánh vào gáy, không rõ đó là vô tình va chạm hay là một vụ tấn công? Nhân viên trật tự nói với phóng viên “anh không nên chụp ảnh vụ việc này”.  Những phút hơi men, quá chén mà ngôn ngữ, văn hóa lại khác biệt, có thể dẫn tới những việc khó kiểm soát ở phố đêm. 

Bình minh đã tới và năm 2020 cũng thật sự tới rồi. Ký ức một đêm giao thừa ở Việt Nam, trên con phố Tây chắc chắn vẫn sẽ còn trong tim những du khách đang vội vã leo lên các chuyến xe du lịch trước khi trời kịp sáng hẳn. 

“Phố Tây giờ đây quá nhiều quán nhậu”, một nhân viên du lịch nói với tôi. Anh này có nhiều đoàn khách là người Hồi giáo tới từ Malaysia, Singapore, Indonesia, anh nói: “Với du khách Hồi giáo việc hút thuốc lá cũng là tối kỵ, nói gì rượu bia. Khách muốn tới phố Tây chơi, nhưng quán nhậu quá nhiều, khách không hài lòng. Họ chụp hình xong, lên xe về khách sạn hết rồi”.

Bình minh đã tới và năm 2020 cũng thật sự tới rồi. Ký ức một đêm giao thừa ở Việt Nam, trên con phố Tây chắc chắn vẫn sẽ còn trong tim những du khách đang vội vã leo lên các chuyến xe du lịch trước khi trời kịp sáng hẳn. 

MỚI - NÓNG