Tết ấm trong tấm bánh tròn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gạo tẻ thơm bùi hòa quyện với vừng đen và chất cay nồng của tiêu, tỏi, ớt tạo nên hương vị đặc trưng của bánh đa Đô Lương. Chiếc bánh chỉ bé vừa chiếc đĩa, nhưng luôn gợi nhớ hương vị quê nhà.

Cuối năm, làng nghề bánh đa Vĩnh Đức (huyện Đô Lương, Nghệ An), không khí tất bật, nhộn nhịp, khắp các đường làng đều được người dân tận dụng để phơi bánh. Để phục vụ thị trường Tết, người làng nghề phải chạy đua với thời gian, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.

Tết ấm trong tấm bánh tròn ảnh 1

Nhân công làm việc từ sáng đến tận đêm khuya để kịp những đơn hàng Tết

Kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề, ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1967) cho biết, Tết là cao điểm của nghề làm bánh đa. Để cung ứng trên 10.000 bánh ra thị trường mỗi ngày, hiện 10 công nhân phải làm việc từ sáng đến tận đêm khuya. “Gạo phải là gạo khang dân 18, ít dẻo, giàu tinh bột, không lẫn tạp chất. Sau khi ngâm một đêm, mới nghiền nhỏ thành bột mịn. Vừng được nhặt sạch để khi ăn không bị nhám, lộm cộm trong miệng. Bột gạo không đặc không quá loãng để tráng bánh. Tỏi, tiêu, bột ngọt thêm vào giai đoạn nào, rắc ra sao để vẫn giữ được mùi thơm ngon là bí quyết riêng của từng lò”, ông Hồng chia sẻ.

Bánh đa vừng Đô Lương được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh...

Điểm độc đáo ở làng bánh đa vừng Vĩnh Đức là sử dụng bếp củi để tráng bánh. “Hương vị chiếc bánh đa được tráng bằng ngọn lửa bếp củi thơm ngon hơn hẳn so với các loại bếp khác. Đây cũng là phương pháp truyền thống từ bao đời nay”, ông Hồng giải thích. Bánh đa khi đã tráng chín được trải nhẹ tay trên vỉ nứa để nguội rồi mới đem phơi. Bánh có thể phơi trước sân nhà hoặc đường làng. Phơi đủ độ khô, người thợ sẽ thu những chiếc bánh đa tròn đều về và xếp thành từng chục, cho vào túi bóng, buộc chặt dây và đưa đi tiêu thụ. Khi ăn, lấy bánh nướng trên than hoa, bỏ lò vi sóng hoặc chiên dầu đều được. Dù được “chế biến” như thế nào thì vẫn không mất đi vị bánh đa Đô Lương”.

Cùng với duy trì sản xuất loại bánh đa vừng truyền thống từ bột gạo, người dân làm nghề còn sáng tạo các loại bánh đa vừng từ gấc, khoai lang tím, nâng doanh thu lên gấp rưỡi. “Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất bánh đa vừng đen truyền thống. Từ năm 2021, gia đình làm thêm bánh đa khoai lang tím, bánh đa gấc,... được khách hàng rất ưa chuộng, làm đến đâu hết đến đó”, bà Đinh Thị Chung (SN 1968), một trong những hộ làm nghề bánh đa lâu đời ở làng Vĩnh Đức cho hay.

Tết ấm trong tấm bánh tròn ảnh 2

So với bánh đa truyền thống, bánh đa gấc kỳ công hơn trong khâu chế biến, do đó, giá trị kinh tế cũng lớn hơn

Chiếc bánh đa gấc sau khi phơi khô có màu đỏ cam, đẹp mắt, nướng lên ăn bùi, béo, thơm ngậy.

Sau thành công của bánh đa gấc, gia đình thử nghiệm bánh đa khoai lang tím, cũng rất được lòng thực khách. Tỉ lệ thành phần giữa khoai và bột gạo phải điều chỉnh nhiều lần mới đạt được độ chuẩn.

Ông Nguyễn Công An, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết, bánh đa Đô Lương đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. Năm 2020, sản phẩm bánh đa của làng được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp huyện và được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An. Đó là niềm tự hào, góp phần lưu giữ “vị quê”, gìn giữ nét văn hóa ẩm thực truyền thống.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.