Tên lửa Triều Tiên bay trên đầu, dân Nhật bất lực

Một người đi đường ở Tokyo theo dõi tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng 15/9. Ảnh: Getty Images.
Một người đi đường ở Tokyo theo dõi tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng 15/9. Ảnh: Getty Images.
TP - “Phóng tên lửa! Phóng tên lửa! Một tên lửa có vẻ vừa được phóng từ Triều Tiên. Hãy trú ẩn trong nhà hoặc dưới hầm”, hệ thống cảnh báo nhắc nhở người dân Nhật Bản sáng 15/9.

Tiếng còi rú inh ỏi cùng cảnh báo qua điện thoại có thể khiến hàng triệu người dân Nhật Bản choàng tỉnh vào sáng sớm khi Triều Tiên phóng tên lửa thứ hai bay qua nước này, chỉ 2 tuần sau khi phóng tên lửa đầu tiên.

“Tôi không thể nói là chúng tôi đã quen với việc này. Ý tôi là tên lửa bay ngay trên đầu thị trấn của chúng tôi. Thật không thoải mái khi nghe thấy điều đó”, ông Yoshihiro Saito, người đang làm việc tại làng chài Erimo thuộc đảo Hokkaido, cho biết. “Điều đó cũng khá đáng sợ. Tôi nghĩ nó đã bay 3.000km ra Thái Bình Dương và rơi xuống biển”, ông Saito nói. Ông cho biết, 16 tàu đánh bắt của ông đang hoạt động dưới đường bay của tên lửa.

Người dân ở đất nước dễ bị động đất như Nhật Bản đã quá quen với việc phải tìm nơi ẩn nấp trong những tình huống khẩn cấp, nhưng vài phút sau khi nhận được thông báo về vụ phóng tên lửa, nhiều người dân Nhật cho biết họ có cảm giác bất lực. “Điều đó thực sự đáng sợ. Chính phủ khuyến cáo chúng tôi chạy vào những tòa nhà kiên cố nhưng chúng tôi không thể làm thế một cách nhanh chóng. Ngư dân chúng tôi ở ngoài biển không có chỗ nào trú ẩn”, ông Yoichi Takahashi, 57 tuổi, một quan chức ngành ngư nghiệp ở Kushiro trên đảo Hokkaido, nói. “Điều đó đã xảy ra với chúng tôi 2 lần… Từ nay, chúng tôi sẽ không có ngày nào được yên”, ông Takahashi nói.

Ông Isamu Oya, 67 tuổi, chủ một nhà hàng sushi ở Erimo, cho biết: “Chính phủ bảo chúng tôi tìm chỗ trú trong tòa nhà kiên cố hoặc dưới hầm, nhưng không có chỗ nào như thế ở đây. Chúng tôi không có lựa chọn nào nên chẳng làm gì. Sợ ư? Đúng, nhưng chúng tôi không làm gì được”.

Thay vì phát sóng các chương trình cho trẻ em hay tiện ích công nghệ như thường lệ, các chương trình truyền hình khắp Nhật Bản sáng 15/9 đều đưa ra những khuyến cáo cho người dân đối phó việc tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua đầu họ. Các nhà mạng gửi tin nhắn tự động qua điện thoại để đánh thức khách hàng. Các tuyến tàu nối Honshu với Hokkaido và tàu tốc hành tạm dừng hoạt động sau vụ phóng, nhưng các sân bay ở khu vực dường như không bị ảnh hưởng. Hành khách ở sân bay Obihiro, nơi gần đường bay của tên lửa, vẫn tỏ ra bình thường, báo Japan Times đưa tin.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, ưu tiên của họ là bảo đảm an toàn cho người dân. Chưa có báo cáo nào về mảnh vỡ rơi hay tổn thất do vụ phóng tên lửa, nhưng Tokyo nhấn mạnh rằng, hành động phóng tên lửa mà không cảnh báo trước có thể phá hủy tàu hoặc máy bay ở khu vực. Cuộc sống thường ngày của nhiều người dân địa phương sống dưới đường bay tên lửa có thể bị ảnh hưởng. “Chúng tôi sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi, từ đánh bắt hải sản đến du lịch”, ông Hironori Matsura, một quan chức về phòng chống thảm họa tại thị trấn Erimo, nói.

Đầu bếp sushi Oya nói tên lửa sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ông vì khách đến nhà hàng chủ yếu là người địa phương, nhưng ông cũng cho rằng tên lửa sẽ ảnh hưởng đến lượng du khách thăm Erimo. Thừa nhận tên lửa là chủ đề chính của các cuộc thảo luận ở thị trấn những ngày này, nhưng ông Saito cho biết không ai ở đây nói về việc dừng công việc hay hoạt động của họ.

Guam nằm trong tầm bắn

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên phóng hôm qua đạt độ cao khoảng 770km, đi được 3.700km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi Hokkaido của Nhật Bản. Tên lửa này được đánh giá là bay cao và xa hơn tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản tháng trước. Giới quan sát cho rằng, đây có thể là một tên lửa đạn đạo tầm trung, nhưng giới chức Nhật nhận định, có khả năng đó là một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vụ phóng lần này gây lo ngại rằng, đảo Guam của Mỹ (cách Bình Nhưỡng 3.400km) hoàn toàn nằm trong tầm bắn. Triều Tiên gần đây tuyên bố sẽ phóng tên lửa đến Guam.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẽ “không bao giờ tha thứ” cho “những hành động khiêu khích nguy hiểm” như vậy. Chỉ trong vài phút, Hàn Quốc đáp trả bằng cách phóng 2 tên lửa đạn đạo xuống biển để mô phỏng cuộc tấn công Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng lên án vụ phóng và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp ngày 15/9 theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản. Chỉ vừa thông qua nghị quyết thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, Hội đồng Bảo an lần này chưa rõ sẽ hành động như thế nào. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Nga và Trung Quốc, hai đối tác kinh tế chính của Triều Tiên, phải xử lý vấn đề này. Ông nói hai nước “phải cho thấy họ không tha thứ cho những vụ phóng tên lửa liều lĩnh như vậy bằng cách tự có hành động trực tiếp”. Ông cũng nói rằng, Trung Quốc cung cấp phần lớn dầu cho Triều Tiên, còn Nga là nước sử dụng nhiều lao động Triều Tiên nhất. Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc “không phải trung tâm của cuộc xung đột”, “nhiều bên liên quan trực tiếp phải chịu trách nhiệm”, “bất kỳ nỗ lực nào nhằm phủi tay cũng đều là vô trách nhiệm và không giúp giải quyết vấn đề”.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng, đối thoại với Triều Tiên “là không thể trong hoàn cảnh như thế này”. Giới chức Hàn Quốc đã được lệnh chuẩn bị cho khả năng Triều Tiên tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc xung điện từ, BBC dẫn lời phát ngôn viên tổng thống.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Trịnh Thị Hường, người đang sống cùng gia đình tại Okayama, thuộc miền trung nam Nhật Bản, cho biết, chị thấy chương trình truyền hình buổi sáng 15/9 nói nhiều về vụ phóng tên lửa, nhưng vì chị không hiểu nhiều tiếng Nhật nên không biết tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Dù sống ở khu vực không gần nơi tên lửa Triều Tiên bay qua, chị Hường nói rằng điều chị đang lo đến hiện nay là việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa như vậy có dẫn đến chiến tranh hay không. Nếu khả năng đó xảy ra, chị chị sẽ nghĩ đến chuyện về Việt Nam. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.