Tên lửa siêu vượt âm Zircon sẽ thay đổi phương thức hải chiến trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sẽ đưa vào trang bị hàng loạt dòng tên lửa diệt hạm siêu vượt âm tiên tiến 3M22 Zircon trong năm 2023.

Đây là dấu ấn đáng chú ý khi dòng tên lửa siêu vượt âm này được giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là vũ khí có tiềm năng thay đổi phương thức tác chiến hải quân trong tương lai.

Hội tụ những công nghệ không có đối thủ

Khi nói về tên lửa siêu vượt âm Zircon là nhắc tới lĩnh vực vũ khí bội siêu thanh tiên tiến. Hiện tại, những yêu cầu đối với vũ khí siêu thanh thế hệ mới vẫn đang được hoàn thiện, nhưng một yếu tố căn bản là phương tiện siêu thanh mới phải có khả năng bay ít nhất ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) kéo dài vài phút trong bầu khí quyển Trái đất và phải là phương tiện bay có điều khiển.

Khi nói tới vũ khí siêu thanh, một yếu tố quan trọng cần hiểu rõ là định nghĩa về Mach hay ngưỡng tốc độ âm thanh. Ở dưới mặt đất, tốc độ di chuyển của âm thanh đạt 340m/giây, tương đương Mach 1, còn khi ở độ cao 10km, do mật độ không khí loãng, tốc độ âm thanh chỉ còn 300m/giây. Để đạt được tốc độ bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, các phương tiện thường phải bay ở độ cao lớn. Như vậy, vật thể bay siêu thanh Mach 5 ở độ cao trên 10km tương ứng với khả năng đạt tốc độ bay 5.400km/giờ. Trên thế giới hiện có rất ít phương tiện bay có thể đạt tốc độ như vậy do giới hạn về sức bền vật liệu, đặc tính khí động học và động cơ phản lực…

Tên lửa siêu vượt âm Zircon sẽ thay đổi phương thức hải chiến trong tương lai ảnh 1

Tên lửa Zircon hiện tại vẫn chưa có đối thủ trên thế giới. Ảnh: TASS.

Thực tế, để phát triển và hoàn thiện dòng tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Zircon, Nga đã mất gần một thập kỷ để thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ vật liệu đặc biệt, cũng như động cơ phản lực tĩnh siêu âm. Trong đó nhiều công nghệ kế thừa lại từ thời Liên Xô.

Theo Tạp chí quân sự Avia.pro, vật liệu chế tạo khung thân và lớp phủ ngoài của tên lửa Zircon là sản phẩm độc quyền của Nhà máy Chelyabinsk UMATEX. Vật liệu tổng hợp này không chỉ có khả năng chịu được nhiệt độ cao, mà còn không bị biến dạng khi chịu dự ứng lực lớn. Đặc biệt, khi bay ở tốc siêu vượt âm tới Mach 5-9, lớp vỏ bọc của tên lửa sẽ từ từ bốc hơi và cháy để tạo ra một lớp plasma đặc biệt, tương tự như tàu vũ trụ khi hồi quyển. Căn cứ vào những hình ảnh được công bố, tên lửa Zircon sử dụng vật liệu chế tạo có nhiều nét tương đồng với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm 3M37 Skiff dưới thời Liên Xô. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về kết cấu và loại vật liệu được sử dụng để chế tạo tên lửa Zircon vẫn là điều bí mật.

Một trong những vấn đề khác chính là động cơ phản lực tĩnh siêu âm. Các nhà khoa học Nga cơ bản đã giải quyết được việc duy trì hoạt động ổn định của động cơ tên lửa ở độ cao lớn lẫn độ cao thấp do đặc thù của tên lửa hành trình. Trong khi đó, Mỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện động cơ phản lực đặc biệt này. Với tầm bắn lên tới hơn 1.000km của tên lửa Zircon, Nga cơ bản đã tạo ra dòng vũ khí hành trình siêu vượt âm vượt trội so với các đối thủ.

Vấn đề điều khiển tên lửa Zircon khi nó bay ở tốc độ siêu vượt âm cũng là công nghệ đặc biệt. Khác biệt so với tên lửa đạn đạo bay theo quán tính và hệ thống bản đồ lập trình trước, tên lửa diệt hạm cần cập nhật về vị trí mục tiêu ở các pha bay. Tuy nhiên, khi bay ở tốc độ cực cao, kén plasma do tên lửa tạo ra ngăn cản các tín hiệu điện tử nên việc kết nối với tên lửa cần có phương pháp đặc biệt để đảm bảo sự chính xác của đòn tấn công.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon sẽ thay đổi phương thức hải chiến trong tương lai ảnh 2
Khinh hạm Admiral Gorshkov phóng thử tên lửa Zircon. Ảnh: RIAN

Vũ khí tiềm năng thay đổi phương thức hải chiến!

Với những công nghệ vượt trội và không có đối thủ trên thế giới, về cơ bản, tên lửa siêu vượt âm Zircon không thể ngăn chặn ở thời điểm hiện tại.

Cụ thể, với tốc độ lên tới Mach 5-9, thời gian tên lửa bay hết hành trình tới mục tiêu rất ngắn. Điều này khiến các phương thức phòng thủ truyền thống bằng chế áp điện tử hay phòng thủ cứng trên hạm trở nên kém hiệu quả. Điều này chưa kể tới quỹ đạo bay linh hoạt của tên lửa hành trình khiến quá trình phát hiện và đánh chặn càng khó khăn.

Mặt khác, việc phát hiện sớm ra tên lửa Zircon bằng radar hoặc trinh sát điện tử rất khó khăn, thậm chí là không thể. Khi đạt tới tốc độ bay siêu thanh, khoảng không gian xung quanh tên lửa do ma sát tạo ra một kén plasma trung hòa về điện. Nó có khả năng hấp thụ hoàn toàn sóng radar hoặc vô tuyến phát tới. Điều này đồng nghĩa với việc radar phòng thủ có thể bị “mù” không phát hiện ra mục tiêu. Cách phát hiện ra tên lửa Zircon chính là lớp vật liệu bị bốc hơi xung quanh tên lửa. Tên lửa khi bay tạo ra hiệu ứng giống như thiên thạch lao trên trên bầu trời. Đây là tín hiệu quang-nhiệt rõ ràng cho các hệ thống trinh sát phát hiện.

Tuy nhiên, với giới hạn phát hiện của các hệ thống trinh sát quang-điện tử chỉ khoảng hơn 100km kết hợp với tốc độ bay siêu vượt âm của tên lửa, thời gian phản ứng còn lại rất ngắn.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon sẽ thay đổi phương thức hải chiến trong tương lai ảnh 3

Tên lửa siêu vượt âm Zircon đã khiến các hệ thống phòng thủ cứng, mềm trên hạm hiện đại nhất trở nên lạc hậu. Ảnh: Getty

Tạp chí khoa học Mỹ Popular Mechanics dẫn nguồn tin từ Quân đội Mỹ đã tính toán về khả năng đánh chặn tên lửa Zircon trong các giả lập chiến đấu. Theo đó, chiến hạm Mỹ sẽ chỉ có khoảng 20 giây để phát hiện ra tên lửa Zircon và đưa ra phương án đối phó trước khi bó tay với tên lửa tấn công của Nga. Với khoảng thời gian ngắn như vậy, không hệ thống phòng thủ nào kịp phản ứng và đánh chặn hiệu quả trước 1 đòn đánh chính xác cao của tên lửa Zircon.

Như vậy, trước khi tìm ra phương án đối phó hữu hiệu với tên lửa Zircon như vũ khí năng chùm tia lượng cao, laser, chiến hạm đối thủ sẽ phải né tránh tầm bắn hiệu quả của dòng tên lửa này hoặc di chuyển với đội hình lớn để tối ưu hóa mật độ hỏa lực, tăng khả năng đánh chặn tên lửa.

Dù tính năng của Ziron sẽ cần thời gian và thực chiến chứng minh hiệu quả, nhưng nó chính là vũ khí siêu vượt âm khởi đầu để thay đổi phương thức hải chiến trong tương lai.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.