Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tính đến hết quý 3/2023, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương là 1.466.239 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 3.338 triệu đồng. Tỉnh có 3/12 xã dự kiến đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch năm 2023 là xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh; xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng; xã Long Khánh, huyện Bến Cầu.
Một sản phẩm OCOP của Tây Ninh |
Trên địa bàn tỉnh, đường giao thông nông thôn được đầu tư là 4.237,77km, trong đó có 753,69km đường trục xã, 750,28km đường trục ấp, 1.235,05km đường ngõ, xóm và 1.498,75km đường nội đồng. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng… đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 71/71 xã có điểm phục vụ bưu chính, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu cung ứng và sử dụng dịch vụ, thường xuyên mở cửa bảo đảm giờ hoạt động theo quy định; có dịch vụ viễn thông, như điện thoại di động sử dụng 3G, 4G, wifi, internet…
Đường nông thôn biên giới Tây Ninh |
Đến nay, ngành NN&PTNT giữ ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội. Toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP, trong đó có 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Sở NN&PTNT Tây Ninh đề xuất 2 phương án để thực hiện Chương trình đến năm 2025. Theo đó Phương án 1 là phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phương án 2: phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/71 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng.