Bỏ mặc cà phê chín đỏ vườn
Thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch cà phê. Thế nhưng, nhiều rẫy cà phê ở tỉnh Gia Lai đã chín đỏ cây mà không có người thu hoạch. Một phần do giá hạ, năng suất cây trồng thấp; phần khác có nguyên nhân không thuê được nhân công hái.
Khuôn mặt đầy lo âu, ông Bùi Đức Hùng (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, vườn cà phê hơn 1 ha của gia đình chín mọng từ 10 ngày trước nhưng không thuê được người hái. Sáng nào ông Hùng cũng chạy xe máy quanh vùng thuê người. Có người đến vườn ông nhìn rồi lắc đầu bỏ đi với lý do, vườn cà phê ít trái, khô, hái không lợi công.
Ông Hùng kể, vườn cà phê trồng từ năm 2005. Những năm trước, cây rất sai quả, ông trả 80 nghìn đồng/tạ, nhiều người đến nhận hái khoán ngay. Mỗi vụ, ông thu từ 15 đến 20 tấn tươi. Năm nay, nhân công hiếm, dù trả công tới 100 nghìn đồng/tạ, họ vẫn không mặn mà. “Trước kia, khi cà phê bắt đầu chín, tôi chỉ cần ra đầu đường là tìm được người hái ngay. Giờ thì khác, tôi tìm không ra người. Cà phê không hái kịp sẽ rụng hết”, ông Hùng nói.
Sau nhiều ngày tìm người hái cà phê, ông Hùng may mắn thuê được 4 công nhân từ Bình Định lên. Ông phải thuyết phục họ mới nhận hái khoán với giá 100 nghìn đồng/tạ. Vụ này, ông đầu tư vào vườn cà phê hơn 70 triệu đồng, cộng cả tiền công hái cà phê, năm nay lỗ khoảng 20 triệu đồng.
Những ngày này ông Siu Nhức (45 tuổi, Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) cùng với 10 người trong xã đùm cơm, nước rồi chạy xe máy đi hái cà phê ở các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đăk Đoa, Chư Sê, Mang Yang. Ông Nhức cho biết, mỗi ngày bản thân ông hái được khoảng 9 tạ cà phê, tương đương với tiền công gần 1 triệu đồng/ngày. Mùa vụ này giảm hẳn các nhóm đi hái cà phê thuê.
Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Gia Lai, những năm trước, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, tỉnh đón khoảng 7 - 8 nghìn lao động, từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định. Nhưng năm nay, số người lên hái cà phê thuê giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt đã tác động đến thời gian thu hoạch, gieo trồng của các tỉnh đồng bằng. Bởi vậy, họ phải ở lại quê lo khắc phục hậu quả thiên tai và gieo sạ.
Trồng xen canh tạo thêm thu nhập
Tại Đắk Lắk, nông dân cũng lao đao vì giá cà phê thấp, năng suất giảm so với năm trước. Anh Vi Văn Phước (buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) có gần 2 ha cà phê, cho hay, vụ này chỉ thu được khoảng 5 tấn cà phê nhân, giảm gần 40% so với các năm trước. “Cà phê trồng từ thời ông bà, già cỗi lắm rồi mà tôi chưa có vốn tái canh. Năm nay thêm cái nắng hạn nặng quá, tôi phải tưới nước tới 6 đợt mới cứu được vườn cây. Chi phí đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền bơm nước tưới cây, nhân công thu hoạch…) cao nhưng giá cà phê lại rất thấp khiến gia đình tôi điêu đứng”, anh Phước nói.
Với mức giá dao động từ 30-32 triệu đồng/tấn nhân, anh Phước nhẩm tính thu được khoảng 160 triệu đồng tiền cà phê. Trừ hết chi phí đầu tư, anh chẳng còn được bao nhiêu. Anh Phước lo lắng chưa biết lấy tiền từ đâu chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán này.
Ngoài cà phê, nông dân Tây Nguyên cũng lao đao với hồ tiêu. Anh Trần Ngọc Đường (xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) cho biết, gia đình hiện có 1,5 ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, song giá xuống quá thấp, thu không đủ chi phí đầu tư. Thời điểm trồng, hồ tiêu được ví là “vàng đen” có giá đạt đỉnh trên dưới 200 nghìn đồng/kg (giai đoạn 2013-2016). Anh Đường dồn công sức, rót vốn đầu tư cho vườn cây. Tuy nhiên, khi hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch, cũng là lúc giá tuột dốc không phanh. Hiện giá tiêu chỉ ở mức 46-50 nghìn đồng/kg, trong khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng.
Gần 4 năm nay, anh Đường chưa thu hồi được vốn đầu tư vào vườn tiêu. Anh phải trồng xen bơ, sầu riêng… tạo thêm thu nhập. “Giờ tôi chỉ biết trồng thêm cây ăn quả vào để kiếm thêm nguồn thu lo cho gia đình. Còn hồ tiêu, tôi cứ để đó, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”, anh Đường kể.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, cà phê, hồ tiêu là những mặt hàng chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, mấy năm qua, giá cả các mặt hàng trên đều giảm sâu nên dù sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 92,3 % kế hoạch xuất khẩu. Ngoài ra, dịch COVID-19 tác động đến xuất khẩu nông sản. Nhiều nước trên thế giới và khu vực thực hiện chính sách đóng cửa, phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy, ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của tỉnh.
Ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 97 nghìn ha cà phê. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch hơn 80 nghìn ha. Theo ông Có, sản lượng vụ mùa năm nay không tăng nhiều so với vụ trước, nhưng nhiều vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, trong khi công nhân hái khoán chỉ thích vườn cà phê năng suất cao.