'Tay chơi mới' ở biển Đông?

Một lính Anh tại căn cứ quân sự Akrotiri, Cyprus Ảnh: Bloomberg
Một lính Anh tại căn cứ quân sự Akrotiri, Cyprus Ảnh: Bloomberg
TP - Anh đang lên kế hoạch thiết lập 2 căn cứ quân sự mới, một ở vùng Caribbe và một ở Đông Nam Á, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson trả lời tờ Sunday Telegraph.

Đây là một phần nỗ lực biến Anh trở thành “một tay chơi toàn cầu thực sự” thông qua việc gia tăng vai trò của London trên trường quốc tế sau khi nước này rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), ông Williamson nói. Việc này cũng đánh dấu bước chuyển trong chiến lược được gọi là Phía đông Suez ra đời năm 1968. Khi ấy Anh đã rút quân khỏi các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và vịnh Ba Tư, vị bộ trưởng nói với tờ báo Anh.

“Chúng ta phải làm rõ rằng đó là một chính sách bị xé vụn là nay nước Anh một lần nữa trở thành quốc gia toàn cầu”, ông Williamson nói. 

Theo Sunday Telegraph, Anh hiện có căn cứ quân sự tại Cyprus, Gibraltar, quần đảo Falkland và Diego Garcia. Ông Williamson nói Anh sẽ mở hai căn cứ quân sự mới “trong vài năm tới”. Bộ trưởng Quốc phòng Anh dự báo rằng “các tập trung chính trị sẽ thay đổi rất đáng kể” sau khi Anh rời EU và Vương quốc Anh phải xây dựng “mối quan hệ sâu sắc với Australia, Canada, New Zealand, các nước vùng Caribbe, và các quốc gia châu Phi”.

Về địa điểm dự kiến đặt căn cứ mới của Anh, ông Williamson nói có khả năng là Singapore và Brunei.

Ý định đặt căn cứ ở Đông Nam Á của Anh chắc chắn khiến Trung Quốc không vui, trong lúc Bắc Kinh và Washington liên tục đụng độ nhau trên biển Đông.

Theo một số chuyên gia được báo Hong Kong SCMP dẫn lời, động thái của Anh sẽ khiến căng thẳng giữa London và Bắc Kinh gia tăng. Mới đây, một tàu chiến Anh đã đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 từ tay Việt Nam cộng hòa. Một số học giả Trung Quốc nhanh chóng cho rằng động thái của Anh nhằm vào Trung Quốc. “Rõ ràng đây là cử chỉ khoe cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy các cường quốc bên ngoài đang can dự ngày càng quyết liệt vào những tranh chấp ở Nam Hải (cách người Trung Quốc gọi biển Đông)”, Từ Lập Bình, giáo sư viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.

Còn Nghê Nhạc Hưởng, một chuyên gia hải quân thuộc đại học Khoa học Chính trị và luật Thượng Hải, nói kế hoạch nói trên là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh quan trọng của Mỹ ngày càng thống nhất với phương pháp tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.

“Đây là bước đi phối hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington và Mỹ chắc chắn sẽ rất hài lòng”, ông Nghê nói. Trong khi đó, ông Từ tin rằng Mỹ đứng đằng sau kế hoạch của Anh. “Anh ngày càng chủ động tại Nam Hải vào thời điểm Mỹ có thể đang còn e ngại về việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực”, ông Từ nói.

Theo ông Nghê, nói động thái của Anh đang mở ra một viễn cảnh đầy thách thức đối với Trung Quốc trong việc cân bằng mối quan hệ an ninh khu vực đầy phức tạp, khi căng thẳng ngày càng gia tăng, thậm chí là có thể có đối đầu cục bộ.

Ông Từ nói, dù kế hoạch của Anh mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, nó cũng là phép thử đối với quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore và Brunei, hai quốc gia từng là thuộc địa của Anh.

Gần đây, Trung Quốc đã rất cố gắng lôi kéo Brunei, một trong các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, thông qua hợp tác kinh tế.

Hai năm trước, Trung Quốc cáo buộc Singapore đứng về phe Mỹ trong các hoạt động tại biển Đông.

Tại một hội nghị khu vực diễn ra tháng 11/2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo các nước Đông Nam Á rằng khu vực này đang bị kẹp giữa thế đối đầu Bắc Kinh - Washington và có thể buộc phải chọn đứng về phe này hoặc phe kia.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân nói trên. Ông Nghê nói chưa rõ Anh có đủ tiềm lực tài chính để duy trì căn cứ ở xa trong khi đang phải vật lộn với việc thiếu ngân sách duy trì một quân đội đủ mạnh.  Tuy nhiên, có một thực tế là ngân sách quốc phòng Anh đã tăng trong năm 2018 so với các năm trước đó.

MỚI - NÓNG