'Tàu sân bay TQ chỉ làm mồi ngon cho láng giềng'
> Cận cảnh tàu sân bay Liêu Ninh cập cảng quân sự
> Nhật lại dùng vòi rồng ‘xua’ tàu Đài Loan
Trong số các vũ khí có thể đánh đắm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có cả tên lửa chống hạm 3M-54E được trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo sắp được biên chế tại Việt Nam.
Tờ Kanwa của Canada mới đăng bài viết với nhan đề “Các vũ khí lợi hại đánh đắm tàu Liêu Ninh”. Tác giả bài viết cho biết, các nước láng giềng của Trung Quốc sở hữu nhiều vũ khí lợi hại có thể đánh đắm tàu sân bay của Trung Quốc.
Bài báo cho biết, bất kể quốc gia nào khi muốn phát triển tàu sân bay thì trước tiên đều phải tính đến các vũ khí trên biển của đối phương giả tưởng và điều kiện tác chiến. Trong 30 năm tới, những nước mà Trung Quốc có thể xảy ra va chạm về quân sự đều là những nước có tiềm lực quân sự mạnh.
Uy hiếp trên không
Máy bay Su-30 của Việt Nam. |
Trước tiên phải kể đến hải quân Mỹ, thế hệ tiếp theo của chiến đấu cơ F-35C đã bắt đầu bay thử vào năm 2010, năm 2013 sẽ tiến hành thử nghiệm hạ cánh, cất cánh trên tàu sân bay. Loại chiến đấu cơ F-35B có thể hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ đã được hải quân Mỹ chính thức đưa vào biên chế hồi tháng 11/2012.
Năm 2010, Ấn Độ bắt đầu tiếp nhận lô chiến đấu cơ MiG-29K trang bị cho tàu sân bay, hai tàu sân bay hiện có của Ấn Độ sẽ được tăng cường thêm MiG-29K.
Nếu tình hình tiến triển tốt, thì việc F-35B được chuyển giao cho Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian. Tàu khu trục mang trực thăng 22DDH của Nhật có thể đã được nâng cấp thành tàu sân bay thực thụ với lượng giãn nước 29000 tấn sẽ là bãi đáp cho những chiếc F-35B.
Lực lượng quân Mỹ luôn hiện diện ở khu vực Đông Á được trang bị những chiến đấu cơ có thể mang theo những tên lửa chống tàu hiện đại, bao gồm cả lợi tên lửa AGM-184 với tầm bắn lên đến 150km.
Bên cạnh đó, Việt Nam được các báo chí nước ngoài cho là trang bị chiến đấu cơ dòng "SU" nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Trên biển
Bài báo chỉ viết: “Tàu Liêu Ninh mà tiến vào Ấn Độ Dương, thì sẵn có các vũ khí lợi hại của Ấn Độ chờ sẵn, vũ khí vô cùng đáng sợ của Ấn Độ là tên lửa chống tàu Brahmos”. Tên lửa Brahmos kiểu hạm đối hạm được phóng thẳng đứng với tầm bắn 290km, bay trên không với tốc độ siêu thanh, tốc độ lớn nhất có thể đạt là 2,8 Mach.
Tàu ngầm lớp Kilo 636 sắp được chuyển giao cho Việt Nam. |
Có hai loại tên lửa Brahmos không đối hạm, là Brahmos-1 được chế tạo riêng cho chiến đấu cơ Su-30MKI, năm 2013 bắt đầu được thử nghiệm, tầm bắn của tên lửa này có thể lên hơn 300km. Với bán kính tác chiến 1500km, nếu trang bị thêm những tên lửa này, những chiếc Su-30MKI có thể tấn công hầu hết mọi điểm trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra còn phải kể đến loại tên lửa Brahmos-3 chuyên dùng cho MiG-29K đang được nghiên cứu chế tạo thì có trọng lượng nhẹ hơn và tầm bắn xa hơn, lên đến 350km.
Bên cạnh đó, hải quân Việt Nam và Ấn Độ được trang bị tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga, đây cũng là một mối đe dọa lớn cho tàu sân bay Trung Quốc. Những tàu ngầm này được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E với tầm bắn 220km với tốc độ 0,8Mach khi bay, và trong giai đoạn cuối trước khi chạm mục tiêu, nó có thể đạt tốc độ 2,9 Mach. Các tàu trên mặt nước của hải quân Ấn Độ còn được trang bị tên lửa hạm đối hạm 3M-54E1 phóng vuông góc, tầm bắn 300km, đạt tốc độ 0,8 Mach. Tất cả các tên lửa kể trên đều nhắm thẳng mục tiêu với tốc độ kinh hồn.
Trên bờ
Bài báo cho biết, hải quân Việt Nam đã nhập khẩu tên lửa đất đối hạm Ruby của Nga với tầm bắn lên đến 300km, đang xem xét đánh giá khả năng tác chiến của tên lửa Ruby trang bị cho các tàu hải quân. Hiện các tàu chiến loại lớn, tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Việt Nam đã trang bị tên lửa hạm đối hạm Kh-35 với tầm bắn 130km.
Hệ thống tên lửa của Việt Nam. |
Ngoài Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia cũng trang bị tên lửa hạm đối hạm Ruby và năm 2010 đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa này.
Khi gặp những đối thủ được trang bị những vũ khí lợi hại như vậy, Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ không còn được lui. Bài báo kết luận, tàu Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ nên hoạt động tác chiến ở những nơi gần bờ.
Theo Infonet