Tàu không về bến

Tàu không về bến
TP - Ngư dân Cà Mau ra khơi xa khai thác, nhiều con tàu bạc tỷ cả đời tích cóp bị nước ngoài bắt giữ, không về bến cũ. Chủ tàu trắng tay, ngư phủ vào tù nơi đất lạ quê người.

Ở quê nhà, mẹ đợi con, vợ trông chồng. Có những chuyến biển, ngư dân Cà Mau mất đi hàng chục con tàu, hàng trăm ngư phủ bị bắt giữ.

Tiền tỷ mất ngoài biển

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Cà Mau, không nhớ nổi số lượng tàu của tỉnh Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ, chỉ biết là đang tăng lên theo thời gian. Ông nói: “Chúng tôi chưa cập nhật đầy đủ tàu khai thác biển của Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ. Mải mê theo luồng cá mà tiền tỷ mất ngoài biển”.

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ năm 2000 đến nay, tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc hoặc tịch thu lên đến 174 chiếc, hàng ngàn ngư phủ ngồi tù ở xứ người. Campuchia bắt giữ đòi tiền chuộc, rồi thả về. Còn các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt tàu, tịch thu tàu, xử tù ngư phủ.

Năm 2001, ngư dân Nguyễn Văn Kim (Bảy Kim) ở thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) bị Campuchia bắt hai chiếc tàu làm nghề cào, phải chuộc 4.000 USD, còn hải sản và ngư lưới cụ trên tàu mất sạch.

Ngày 24/4/2009, ông Kim lại bị Malaysia bắt tàu làm nghề cào khơi, bị xử tù cùng 20 ngư phủ. Ông đau đớn: “Đánh bắt hải sản ở vùng biển chồng lấn, đang tình trạng cá lớn nuốt cá bé”.

Ông Nguyễn Văn Lý, ở xã Tân Ân (Ngọc Hiển) bị nạn liên tục. Tháng 2/2004, ông bị Campuchia bắt con tàu câu mực CM98876TS, phải chuộc 3.500 USD. Sau đó đúng một tháng, tàu lại bị Thái Lan bắt giữ, tịch thu luôn. Con tàu hơn một tỷ đồng, cả đời tích cóp.

Từ đầu năm 2009 đến nay, tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc hoặc tịch thu (có vụ bỏ tù cả ngư phủ), lên đến 30 chiếc.

Ông Dương Văn Thủ, xã Khánh Lộc (Trần Văn Thời) cho biết, chỉ trong ngày 12/5/2009, sáu tàu ở thị trấn Sông Đốc bị Malaysia bắt cùng 58 ngư phủ. Đến nay, chưa ai trong số đó về. Ông Thủ buồn rười rượi: “Tôi là chủ tàu đã trắng tay, không còn vốn giúp đỡ anh em ngư phủ. Tội nghiệp, anh em ngư phủ rất nghèo”.

Tàu không về bến ảnh 1

Hai cháu Đinh Ái Lin, Đinh Ái Liên, chờ đợi cha Đinh Văn Nên bị Malaysia bắt ngày 5/5/2009. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Ngư dân tự bơi

Ông Trần Văn Liếp, dân tộc Khơme, chạy nạn diệt chủng Khơme Đỏ, rồi lập gia đình ở thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời). Nhờ biết tiếng Campuchia, ông thành nhà thương thảo cho ngư dân ở thị trấn Sông Đốc bị Campuchia bắt tàu đòi tiền chuộc.

Ông Trần Văn Liếp tâm sự: “Vì thương, nể tình bà con nên tôi làm dùm. Việc đi lại vất vả, về địa phương gặp không ít rắc rối, nhất là bị hỏi thăm. Thấy phiền phức quá, tôi không đi nữa”.

Ngôi nhà đơn sơ của ông Trần Chí Trung, 54 tuổi, ở thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) nhìn ra cửa biển Sông Đốc. Có ngôi nhà “trên bến, dưới thuyền” như ông rất lý tưởng cho neo đậu tàu cá. Nhưng bến sông trước nhà không còn con tàu gắn bó, nuôi sống gia đình ông bao năm.

Chiếc tàu đánh cá CM99512TS, trang bị máy 350CV, có khả năng khai thác xa bờ đã bị Malaysia bắt giữ ngày 27/3/2007. Ba cha con ông bị bỏ tù, trở về nhà, tay trắng.

Tàu không về bến ảnh 2Chồng tôi (anh Đinh Văn Nên) bị bắt khi tôi mang bầu được bảy tháng. Nay cháu ra đời mà không có mặt cha. Hôm trước, nghe một người ở tù về kể lại, tôi với mấy chị vợ của ngư phủ bị bắt, có vay được ít tiền gởi ông sư ở chùa Gò Vấp, TP HCM. Ông sư này quen với một sư cô ở Malaysia, thường làm từ thiện cho người Việt Nam bị bắt. Nhưng tôi chưa biết chồng tôi có nhận được chưa để, khi mãn hạn, mua vé máy bay mà vềTàu không về bến ảnh 3 - Ôm con nhỏ trong lòng, chị Dương Hồng Nghi tâm sự

Vợ ông Trung, bà Nguyễn Thị Khéo, than: “Ổng ở trên bờ, nhớ biển, sinh bệnh. Nợ nần ngân hàng trên 700 triệu đồng, lại mất tàu thì làm sao đóng tàu mới?”.

Ông Nguyễn Văn Thiên, cán bộ thủy sản thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời): “Ngư dân bị nước ngoài bắt giữ tàu rất khổ, sạt nghiệp. Tôi cũng bị Campuchia bắt, đòi tiền chuộc. Tôi cùng mấy anh em gặp nạn, cùng qua cửa khẩu, đưa tiền chuộc.

Thật ra, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ tàu đều tự lo, không được sự giúp đỡ nào. Nhiều người nhờ người quen ở nước ngoài để chuộc tàu. Nhưng tôi chưa thấy có kết quả”.

Bị đòn vì không biết tiếng

Ngư dân Cà Mau bị bắt tàu giữa biển khơi, kể rằng, những người bắt họ có trang bị vũ khí, mặc đồng phục và cũng có phiên dịch nói rõ tàu của ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển của họ. Giữa mênh mông biển cả, chẳng biết đâu mà cãi. Ngư phủ sau khi bị bắt, bị cạo trọc đầu, cấm hút thuốc.

Ông Trần Chí Trung tâm sự: “Ở tù nước ngoài đói khát, mất tự do đã đành, nhưng khổ nhất là không biết nói tiếng nước ngoài. Bị cai ngục hỏi việc gì, ú ớ không hiểu là rất dễ bị đánh!”.

PV Tiền Phong tìm đến nhà một ngư phủ ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) mãn hạn tù ở nước ngoài, mới về nhà. Ngư phủ Trần Văn Bền bị Malaysia bắt.

Ông kể: “Ở tù nước ngoài không biết tiếng, cai tù sai bảo mà mình không biết, ngơ ngác là bị đòn. Trong tù còn có cơm ăn mặc dù đói. Khi mãn hạn tù cũng khổ, vì ra ngoài không có tiền, không biết tiếng, xin ăn cũng khó khăn. Những ngày ra tù chưa về được nước mình, khổ nhục vô cùng, đói khát nhiều lúc tưởng không chịu nổi”.

Mãn hạn tù, ngư phủ thường được đưa ra nhà chờ đợi, không được đi lại, có cuộc sống giống như trong tù nhưng đói khát hơn.

Ông Trần Chí Trung kể lại: “Khi mãn hạn tù, ai có tiền thì mua vé máy bay về nước. Nếu không có tiền phải ở lại chờ chuyến bay từ thiện về TPHCM. Đời ngư phủ bị nước ngoài bắt coi như chờ đợi, chịu đựng, không còn cách nào về sớm được vì không có tiền”.

Tàu không về bến ảnh 4
Chị Nguyễn Thị Hoa chiên bánh để nuôi con, chờ chồng mãn hạn tù ở xứ người

Cửa biển chờ chồng

Ông Từ Văn Khánh, ở xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) tìm đến chủ tàu bị bắt để mong kiếm được đường cho con trai về. Anh Từ Văn Mộng, con ông làm thuyền trưởng tàu CM 99245TS vừa bị Malaysia bắt giữ. Ông Từ Văn Khánh tâm sự: “Hơn ba tháng nay, thằng Mộng bị tù. Cháu nội tôi khóc hoài, không chịu ngủ”.

Căn nhà đơn sơ của gia đình ngư phủ trống vắng, buồn tênh. Anh Bùi Văn Thống, ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) làm thuyền trưởng tàu câu mực vừa bị Malaysia bắt giữ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh Thống rơm rớm nước mắt: “Nghe tin chồng bị bắt, tôi đến nhà chủ tàu hỏi thăm. Bà chủ tàu còn nói, vợ chồng mày thiếu tiền tao, lái tàu ra biển, đánh trộm cá để nước ngoài bắt. Muốn giựt nợ mà làm cho tao phá sản hả?”. Không hỏi thăm được chồng sống chết ra sao, chị Hoa đành dẫn đàn con về chạy gạo từng ngày, chờ chồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa đứng ngồi không yên. Chị chưa từng đi ra khỏi cửa biển Sông Đốc, nói gì đến chuyện đi nước ngoài thăm chồng. Một mình, chị Hoa mượn ít tiền cha mẹ ruột để chiên bánh bán quanh xóm biển. Các con Bùi Văn Đen, 17 tuổi, đang học lớp 9 phải nghỉ học; Bùi Mỹ Yến Nhi, 15 tuổi, học lớp 6 cũng nghỉ học.

Chị Hoa nói: “Hai đứa lớn nghỉ học rồi, không tiền đóng, mắc cỡ với bạn bè, không dám đến trường. Tôi chỉ lo được cho Bùi Yến Mai, 9 tuổi học lớp 2 và Bùi Yến Giang, 8 tuổi, vào học lớp 1”.

Ngôi nhà rách nát cạnh bên với chị Hoa, chị Lâm Mộng Tuyền, 39 tuổi, cũng đang ngóng tin con. Hai đứa con trai lớn của chị là Lý Nhật Linh, 16 tuổi và Lý Thế Anh, 13 tuổi, đều nghỉ học hồi cấp 1 xuống tàu làm ngư phủ, cũng bị nước ngoài bắt chuyến biển mới đây.

Chị Tuyền tâm sự: “Bị bắt đành chịu, chờ ngày mãn hạn tù thôi. Tôi nghe người ta nói nước ngoài cho chuộc thuyền trưởng là 500 triệu đồng, ngư phủ 250 triệu đồng. Nghe nói vậy, ở cửa biển Sông Đốc này có bao người bị bắt thì có ai chuộc được đâu”.

Căn nhà lá trên bờ kinh Vườn Dừa, xã Khánh Lộc (Trần Văn Thời) hiu hắt buồn tẻ. Bà con quanh xóm giúp đỡ mẹ con chị Dương Hồng Nghi mẹ tròn con vuông khi chồng đang bị tù đày ở Malaysia. Chị Nghi nuôi cha mẹ chồng già, hai con gái và vừa sinh cháu trai.

MỚI - NÓNG