Theo ghi nhận của Tiền Phong, hằng ngày dọc sông Hồng đoạn qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, TP Hưng Yên vẫn xuất hiện hàng chục tàu đủ loại từ công suất vừa và nhỏ vài chục tấn đến tàu công suất lớn hàng trăm tấn vẫn ngang nhiên hút cát giữa dòng, quanh khu vực các mỏ được cấp phép.
Khúc sông thuộc địa phận hai xã Đức Hợp, Mai Động (huyện Kim Động) luôn duy trì từ 5-7 tàu khai thác liên tục.
Ngoài ra, nhiều tàu cát tại các khúc sông thuộc địa phận xã Đại Tập, Tân Châu, Tứ Dân (huyện Khoái Châu); xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang) cũng hoạt động tấp nập.
Ông L. (48 tuổi, trú tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động) cho hay, từ nhiều năm nay người dân ven sông mặc định sống chung với hoạt động khai thác cát. Ông L. cho biết, 4 doanh nghiệp được cấp phép (gồm Cty CP Vân Đức, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Cty Phúc Lộc Thịnh, Cty Nam Sơn) hoạt động quanh bãi bồi giữa 2 xã.
Nhưng, để tận thu lợi nhuận, chủ các doanh nghiệp thuê hoặc bán lại mỏ cho chủ tàu cát hút sau đó mua lại tập kết trên bờ, bãi bồi để bán cho các đơn vị xây dựng có nhu cầu. Việc này dẫn đến tình trạng quá nhiều tàu hút cát triền miên, vượt phạm vi mỏ cấp phép khiến nhiều khu vực bờ kè, bãi bồi sạt lở. Các điểm, tập kết cát cũng mọc lên nhiều hơn. Trong ảnh: một chiếc tàu hút cát trực tiếp mép sông phun lên bờ tập kết.
Ống xả trực tiếp lên điểm tập kết lọc cát tại địa phận xã Mai Động (huyện Kim Động)
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tàu vừa hút vừa bán cát trên sông, một số tàu nhỏ hút ven bờ rồi bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu xây dựng tại địa phương.
Ống dẫn cát từ tàu dẫn vào bán trực tiếp cho người dân ven sông có nhu cầu xây dựng.
Một chiếc tàu cuốc (loại tàu hút cát với năng suất rất lớn) ẩn nấp tại địa phận huyện Khoái Châu ngừng khai thác từ sau chỉ đạo xử lý cát tặc của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 12/4, Phó trưởng phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quang Hưng cho biết, giai đoạn 2013-2014 Sở cấp 10 giấy phép phép hoạt động khai thác cho 10 doanh nghiệp với công suất từ 45-470 m3/năm trong 5 năm. Tuy nhiên tới nay, thực tế chỉ còn 3 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong đó 2 mỏ thuộc địa phận xã Đức Hợp và Mai Động (huyện Kim Động) và 1 mỏ tại xã Đại Tập (huyện Khoái Châu). Một số mỏ cát thuộc địa phận xã Thắng Lợi, Tứ Dân đã cấp phép nhưng doanh nghiệp đăng ký không hoạt động.
Ông Hưng thừa nhận, cát tặc vẫn là vấn đề nhức nhối và còn tồn tại trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Trong đó, “điểm đen” tại khu vực chưa được cấp phép như xã Phú Thịnh (huyện Kim Động); xã Chí Tân, Dạ Trạch (huyện Khoái Châu) nhưng nhiều tàu vẫn khai thác. Ngoài ra, tại khu vực các mỏ được cấp phép nhưng nhiều đơn vị vi phạm quy định về khai thác khoáng sản như vượt phạm vi cho phép, quá năng suất khai thác được cấp phép, vi phạm độ sâu…