Tàu hỏa đâm ô tô, 16 người chết và bị thương

Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn
TP - Lúc 15 giờ 42 chiều 30-3, một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe ô tô chở khách đã xảy ra tại Km 18 + 800 quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội khiến 16 người chết và bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn.

Ông Nguyễn Hồng Long, cán bộ Cục CSGT Đường bộ cho biết: Tàu hỏa mang số hiệu SE8 trên đường từ TPHCM ra Hà Nội, đến địa điểm trên đâm vào xe ôtô 20L - 4564 16 chỗ chạy từ đường làng đi ra phía quốc lộ 1, khiến 7 nạn nhân trên xe ô tô chết tại chỗ, 2 nạn nhân khác chết tại bệnh viện.

Các nạn nhân bị thương khác được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp 1 (Thanh Trì, Hà Nội), một số trường hợp nặng phải chuyển Bệnh viện Việt Đức. Tài xế (đã bị tạm giữ) và đôi vợ chồng trẻ cùng cháu nhỏ 9 tháng tuổi ngồi ở phía đầu xe, cũng bị thương nặng.

Tai nạn xảy ra khi ô tô khách cố vượt qua đường tàu, nhưng vướng phần đuôi gần ngang đường ray. Tàu hỏa đã húc vào đuôi ô tô khiến chiếc xe quay khoảng 180 độ và va vào tường hộ lan. Vụ tai nạn xảy ra đã khiến chiếc xe khách biến dạng, nhiều người thương vong và trong tình trạng nguy kịch.

Chị Nguyễn Thị Thủy, người nhà một nạn nhân cho biết: Chiếc xe 20L - 4564 chở 16 người về ăn cỗ cưới tại thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, Thường Tín. Ăn cỗ xong, mọi người về thăm nhà bà Thạo ở thôn Đình Tú, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín), là cháu ruột cụ Vương Thị Hay (96 tuổi, ở Thái Nguyên) sau đó quay ra quốc lộ 1 thì bị tai nạn. Đến 20 giờ ngày 30 - 3, đã có 9 người chết và 7 người bị thương sau vụ tai nạn, riêng cụ Hay chỉ gãy tay, bị nhẹ nhất trong số các nạn nhân.

Chiếc ô tô biến dạng sau cú va chạm kinh hoàng
Chiếc ô tô biến dạng sau cú va chạm kinh hoàng.

Đường ngang hợp pháp, nhưng không an toàn

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) nói, nguyên nhân chính của vụ tai nạn giao thông phải chờ kết quả của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, ông Bình cho hay: Đây là đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động và thiết bị vẫn hoạt động tốt. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, mặc dù gãy một cột biển báo, đèn báo, cột còn lại vẫn hoạt động bình thường (cột đèn, biển tín hiệu báo cho người và phương tiện từ đường làng đi ra). Đoạn đường này rất thẳng, không có cây cối chắn ngang, không có nhà cửa che khuất biển báo.

Ông Bình cho biết: Hiện nay, cả tuyến đường sắt có khoảng 1.400 đường ngang hợp pháp, trong đó có 1.300 đường ngang hợp pháp nhưng không đảm bảo quy định an toàn giao thông. Cụ thể, đường ngang vừa xảy ra tai nạn cũng không đảm bảo an toàn.

Theo quy định, rào chắn đường bộ cắt đường sắt phải cách ít nhất là 15 mét, để ô tô có thời gian chờ cho tàu chạy qua. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các đường bộ cắt đường sắt chỉ có rào chắn cách đường sắt khoảng 2 đến 3 mét, chính vì thế rất nhiều trường hợp ô tô từ đường làng chạy ra, ra tới đường 1, gặp chướng ngại vật như ô tô đang lưu thông ngoài đường 1 hoặc vài chiếc xe máy hay người đi bộ, ô tô phanh lại thì tai nạn sẽ xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Hà (người dân xã Nguyễn Trãi, Thường Tín) cho rằng, do độ dốc từ đường sắt xuống quốc lộ 1 quá cao, vì vậy chiếc xe ô tô chở nhiều người đi qua bị sệt gầm, đúng lúc tàu hỏa chạy qua. Cũng theo anh Hà, anh thường chứng kiến một số xe bị sệt gầm tại đoạn đường này, thậm chí có xe phải đưa hết người trên xe xuống mới đi qua được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG