Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản .
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, cả hai nghị định mới ban hành đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững.
Theo ông Luân, so với Nghị định 42 hiện hành, Nghị định 38 đã tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản lên 2 năm, đồng thời vẫn giữ chế tài nghiêm khắc cho hành vi vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm.
Lực lượng Kiểm ngư phát hiện 1 tàu cá chở 7 thiết bị giám sát hành trình cho các tàu khác. |
Theo đó, tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hoá, không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng.
“Xử nặng như thế sẽ tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này”, ông Luân cho hay
Đáng chú ý, trong quy định mới lần này sẽ tăng nặng xử phạt tàu cá không ghi nhật ký hành trình. Theo đó, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác, báo cáo sai quy định khi khai thác thuỷ sản trong vùng biển thuộc quản lý của tổ chức nghề cá khu vực sẽ bị xử phạt từ 500-700 triệu đồng.
Hành vi khai thác thuỷ sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thuỷ sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
“Như thông báo của EC, không có lý gì tàu đi vượt sang vùng biển nước bạn lại bảo là đi chơi được. Trừ trường hợp chết máy, bão gió thì lại khác, nhưng sẽ phải chứng minh”, ông Luân chia sẻ.
Nghị định số 37/2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2024. Còn Nghị định số 38 sẽ từ 20/5/2024.