Nơi du khách bơi lặn ở Hòn Mun bị xả chất thải từ các con tàu chở chính họ. |
Ngày 24-6-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định, các phương tiện đáy kính, hoạt động lặn hoặc chở khách du lịch trên vịnh Nha Trang phải có phòng vệ sinh với két kín chứa và xử lý bằng công nghệ vi sinh (khoang vệ sinh tự hoại).
Đến nay, theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (KBTBNT), không tàu nào trong số hơn 160 tàu chở khách du lịch ở Nha Trang thực hiện quy định này.
Trong các điều kiện đăng kiểm tàu thuyền, không có ràng buộc về khoang vệ sinh. Do vậy, dù tàu du lịch không có khoang vệ sinh đúng quy định của tỉnh, cơ quan chức năng không thể buộc tàu đó ngưng hoạt động nếu nó đảm bảo các điều kiện đăng kiểm.
Dịch vụ lặn biển cũng đang làm phát sinh nhiều phức tạp trong quản lý. Trong đợt kiểm tra liên ngành cuối năm 2010 đối với toàn bộ 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lặn biển tại Nha Trang, cơ quan chức năng phát hiện hầu hết doanh nghiệp có sai phạm như: nhân viên cứu hộ không có chuyên môn nghiệp vụ; không đăng ký kiểm định bình hơi lặn biển, sử dụng bất hợp pháp lao động nước ngoài...
Cần cơ quan quản lý đủ thẩm quyền
Theo khảo sát mới nhất do Ban Quản lý KBTBNT và Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện, chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích ở vịnh Nha Trang đang ở mức báo động, rặng san hô đang bị đe dọa. Đó là hệ quả của những vi phạm kể trên.
Thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát Môi trường. Nhưng các cơ quan này cho rằng đã có tàu của Ban quản lý KBTBNT trực ở Hòn Mun, nên ít chủ động tổ chức các chuyến kiểm tra.
Trong khi đó, Ban quản lý KBTBNT không có thẩm quyền xử lý vi phạm, chỉ có thể báo cho các cơ quan chức năng. Hiện tại, chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan, không phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi có vi phạm.
Tác nhân ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang không chỉ là những tàu chở khách du lịch và hàng ngàn người hàng ngày sinh hoạt trên hơn 3.000 lồng bè nuôi thủy sản ở Vũng Ngán, Hòn Một, Hòn Miễu... Môi trường vịnh Nha Trang bị ảnh hưởng còn bởi những chiếc cống xả thẳng ra vịnh chất thải của hàng vạn người sống trên bờ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, để phát triển bền vững, vịnh Nha Trang cần được quản lý bởi một cơ quan có đủ thẩm quyền, phương tiện và con người, với một cơ chế quản lý chặt chẽ, phù hợp.