Sẽ tắt sóng dần trong 4 tháng
Tại cuộc họp mới đây của tiểu ban giúp việc đề án số hóa truyền hình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã đồng tình với phương án thay đổi thời gian ngưng phát sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng và bắc Quảng Nam. Thay vì tắt sóng đồng loạt vào ngày 1/7/2015, việc tắt sóng sẽ kéo dài trong bốn tháng 1/7-31/10/2015.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, trước khi ngưng hẳn sóng truyền hình analog sẽ điều tra, thu thập số liệu về số hộ đã sẵn sàng thu truyền hình số. Hệ thống analog chỉ ngưng hẳn khi tổng số hộ không thu/xem được truyền hình (với mọi phương thức) dưới một ngưỡng quy định. Về thứ tự tắt sóng, những kênh truyền hình có nội dung giải trí sẽ tắt sóng trước, các kênh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu sẽ tắt sóng sau cùng. Theo Đài Truyền hình Việt Nam, có thể tắt sóng VTV6 đầu tiên.
Lộ trình đặt ra như vậy nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, việc chuẩn bị cho dừng sóng analog trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, ngoài tầm với của địa phương. Đơn vị được lựa chọn truyền dẫn phát sóng cho Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng là Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn - Phát sóng của VTV.
Sau hai lần kiểm tra chất lượng phủ sóng số, Đà Nẵng nhiều lần đề xuất, yêu cầu VTV có biện pháp bảo đảm chất lượng vùng phủ sóng bằng việc lắp đặt hai trạm phát sóng lại. VTV cũng đã cam kết hoàn thành mọi việc và đưa vào hoạt động trong tháng 5/2015. Tuy nhiên, đến nay việc lắp đặt thiết bị của VTV vẫn chưa được thực hiện. Điều này, gây không ít khó khăn cho kế hoạch số hóa truyền hình tại Đà Nẵng. Ngoài ra, tại Đà Nẵng còn có ba đài truyền hình phát sóng số là VTC, AVG, VTV nhưng AVG và VTC vùng phủ sóng chưa rộng và thiếu ổn định.
Cảnh giác đầu thu rởm
Chuyển đổi sang phát sóng số mặt đất, khoảng 1/3 dân số Đà Nẵng tương đương 75 ngàn hộ sẽ không xem được truyền hình nếu không mua đầu thu truyền hình số (STB). Ngoài ra, người dân của bốn huyện ở bắc Quảng Nam là Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc cũng không xem được truyền hình nếu không có đầu thu.
Hiện tại thị trường bán lẻ STB theo tiêu chuẩn quy định (DVB-T2) tại Đà Nẵng bắt đầu sôi động. STB được bày bán tại nhiều cửa hàng điện máy trên phố Đào Duy Từ, Lý Thái Tổ, Trưng Nữ Vương… với chủng loại khá đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng chính hãng (được dán tem hợp chuẩn, hợp quy) như VTV Broadcom, Hùng Việt, VTC, AVG còn có các dòng sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy như Pantesat, SOSCI.
Giá bán các đầu thu dao động từ 380.000 đồng đến 900.000 đồng. Đầu thu của VTV Broadcom có giá bán từ 700.000 đồng đến 900.000 đồng, của Hùng Việt có giá từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng. Hầu hết các loại đầu thu xuất xứ Trung Quốc có giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng khuyên người dân khi chọn mua STB nên mua loại đã được hợp chuẩn, hợp quy.
Hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách nghèo đầu thu truyền hình số, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có khoảng 14.540 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ gồm 6.946 hộ nghèo, 7.560 hộ cận nghèo và 34 hộ gia đình chính sách.
Để được hỗ trợ đầu thu, các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách nghèo sẽ làm đơn theo mẫu và cam kết đang sử dụng ti vi không có tích hợp đầu thu số cũng như chưa sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền.
Trong quá trình chuyển đổi sang truyền hình số, người dân có thắc mắc gì có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng qua số điện thoại 1900 9496 để được giải đáp.