Tất cả bến xe, DN vận tải ở Hà Nội có vi phạm

Tất cả bến xe, DN vận tải ở Hà Nội có vi phạm
TP - Thanh tra Bộ GTVT vừa cho biết, qua thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải khách liên tỉnh của 3 bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình và 11 đơn vị hoạt động vận tải khách tại TP Hà Nội, đã phát hiện nhiều vi phạm tại tất cả các đơn vị này.

> Nhiều hãng vận tải đồng loạt tăng giá vé
> Không lợi dụng Tết để tăng giá vé

Cụ thể, tại BX Nước Ngầm - đơn vị chủ quản là Cty CP Đầu tư phát triển ngành nước và môi trường, kết quả kiểm tra một số đơn vị vận tải như HTX Vận tải Bình Minh, Cty Vinamotor… cho thấy, một số trường hợp BX Nước Ngầm không ghi số lượng khách xuất bến; chưa điều chỉnh giá dịch vụ ra vào bến và giá dịch vụ cho thuê mặt bằng làm quầy bán vé…Tại BX Giáp Bát, Mỹ Đình - đơn vị chủ quản là Cty Quản lý bến xe Hà Nội, mặc dù được xếp vào bến xe loại 1 nhưng một số hoạt động của hai BX vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này, như: Thiếu chỗ ngồi phục vụ khách chờ; chưa có phòng y tế, thiếu cửa bán vé.

11 đơn vị vận tải gồm Cty CP xe khách Hà Nội; Cty CP xe khách Thanh Xuân; Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội; Cty CP Đầu tư Vinamotor, Chi nhánh Cty TNHH Vận tải Hòa Bình tại Hà Nội; Cty TNHH Hưng Thành; Cty CP ô tô vận tải Hà Tây; Chi nhánh Cty Liên danh vận chuyển Quốc tế Hải Vân, Cty CP DLTM&ĐT Thiên Trường; HTX Vận tải Thăng Long; Cty CP Quốc tế Mỹ Đình đều có sai phạm.

Có 20 tỷ đồng, xe khách văn minh thật sự?

Lần đầu tiên, Tổng Cục Đường bộ VN lập một đề án hiện đại hóa vận tải được Tổng cục kỳ vọng là sẽ giúp vận tải trở nên văn minh sánh ngang các nước châu Âu: Gắn sao xếp hạng xe khách, lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa...

Đó là đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT” với tổng kinh phí thực hiện ước tính 20 tỷ đồng (nhiều nguồn vốn), thực hiện từ năm 2013 đến 2015. Đề án này được cho là có tham khảo kinh nghiệm quản lý vận tải một số nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha.

Theo Phó Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Quyền, cơ quan quản lý sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.

Dựa trên các tiêu chí này, sẽ có một hội đồng chấm điểm và xếp hạng hạng từ 1 đến 5 sao. “Hiện nay, các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định và du lịch, mỗi năm phải cấp lại phù hiệu một lần. Tại sao những xe có dịch vụ tốt, hạng cao không để 3-5 năm cấp một lần, còn xe chất lượng thấp 3-5 tháng cấp/lần để kiểm soát? Tại sao những xe dịch vụ tốt, các lực lượng tuần tra không ưu tiên họ khi lưu thông, để giành thời gian kiểm tra xe kém chất lượng?”, Phó Tổng cục Đường bộ nói và kể ra hàng loạt xe khách tự dán mác: Hàng không mặt đất, xe 5 sao, xe chất lượng cao, xe VIP... nhan nhản ngoài đường.

Còn với vận tải hàng hóa, đang có ý tưởng sẽ thành lập một sàn giao dịch điện tử để chủ hàng nêu nhu cầu vận chuyển loại hàng gặp nhà vận chuyển công khai.

Hơn 10 năm qua, phương tiện kinh doanh vận tải đã tăng hơn 10 lần. Cả nước hiện có tới gần 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại thuộc 2.681 doanh nghiệp, 586 hợp tác xã và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG