> 'Dế' Xperia đầu tiên của Sony xuất hiện
> Sony Ericsson lộ smartphone màn hình siêu nét
Trong khuôn khổ sự kiện liên quan tới môi trường được tổ chức tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) trong tuần qua, Sony nhờ các tình nguyện viên nhỏ tuổi trộn giấy vụn với một số loại enzym, lắc đều hỗn hợp và đợi vài phút để chứng kiến chất lỏng chuyển hóa thành nguồn điện, đủ để vận hành một chiếc quạt nhỏ.
“Công nghệ này dựa trên cơ chế tương tự như loài mối ăn gỗ để tạo ra năng lượng vậy”, ông Chisato Kitsukawa, Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Sony phát biểu.
Nhiều nghiên cứu lý thuyết trước đây đã được tiến hành về dạng năng lượng này, nhưng chưa có nhiều thực nghiệm để chứng minh giá trị sử dụng của nó.
Công nghệ tạo năng lượng từ giấy vụn là một phần kế hoạch tạo ra loại pin sinh học dựa trên đường gluco của Sony, dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong vài năm tới.
Giấy vụn hoặc bìa cát tông cung cấp cellulo, chuỗi liên kết đường gluco có trong gỗ tạo ra giấy. Do vậy, khi thả giấy vào hỗn hợp có chứa enzyme, chuỗi gluco bị thủy phân và qua nhiều quá trình, nó tạo nên các ion dương (H+) và electron.
Các electron này di chuyển qua một mạch ngoài và tạo ra dòng điện, trong khi ion H+ sẽ kết hợp với oxy trong không khí tạo nước.
“Pin sinh học rất thân thiện với môi trường và có tiềm năng lớn trong thế giới công nghệ điện tử tương lai” khi chúng không sử dụng kim loại hay các chất hóa học gây hại, ông Kitsukawa nói.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một khoảng thời gian dài nữa để đưa công nghệ này vào sản xuất thương mại vì nguồn năng lượng tạo ra chỉ ở mức thấp. Nguồn điện này đủ giúp hoạt động các thiết bị nghe nhạc cá nhân chứ chưa thể thay thế pin thông thường.
Trước đó, Sony từng triển khai thí nghiệm pin đường đầu tiên vào năm 2007 và sau nhiều năm hãng đã nỗ lực giảm kích thước của loại pin sinh học này.
Gia Bảo
Theo PS