Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề: Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi nhằm phát huy vai trò của phụ trách Đội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; đổi mới, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào đã có sức sống lâu đời như: Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt…; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Giáo viên Tổng phụ trách Đội trường TH Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Phạm Thị Hà Phương chia sẻ, với quan điểm để cho học sinh có phát triển toàn diện, Ban giám hiệu nhà trường đã tạo ra nhiều không gian, môi trường cho các em học sinh học tập, vui chơi. Đặc biệt, nhà trường có nhiều giải pháp trong công tác nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của học sinh, để từ đó đưa ra được những giải pháp tổ chức hoạt động thực sự phù hợp. Trong mỗi lớp có Hòm thư Yêu thương để mỗi học sinh chủ động bộc bạch. Trong việc rèn kỹ năng cho học sinh được xây dựng thành chuyên đề như kỹ năng phòng chống xâm hại, mời chuyên gia trực tiếp về dạy. Luật trẻ em đưa vào lễ chào cờ đầu tuần để chào cờ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện nhằm bồi đắp cho các em lòng nhân ái, chia sẻ với cộng đồng.
TS. Nguyễn Thứ Mười, Hiệu trưởng trường Đội Lê Duẩn cho rằng, cái thiếu lớn nhất trong công tác Đội nhà trường hiện nay là thời gian cho các em học sinh. Các hoạt động ngoại khóa, công tác Đội dành cho các em còn quá ít. Bên cạnh đó, lương, chế độ cho giáo viên Tổng phụ trách Đội quá thấp “ba cọc ba đồng” so với xu thế phát triển chung của xã hội. Theo TS Mười, cần quan tâm hơn chế độ đãi ngộ, nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế giáo viên Tổng phụ trách để họ toàn tâm cống hiến công việc.
Ông Nguyễn Thế Tiến, nguyên phó trưởng ban công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn cho rằng để các phong trào của Đội thực sự hiệu quả, Hội đồng Đội cần xác định nội dung phong trào mang tính thường xuyên, đồng thời cần bổ sung những nội dung, hình thức mới, có tính đột phá cho phù hợp với tình hình mới. Các phong trào cần phù hợp với nhu cầu của các em, tạo được sự đồng tình của phụ huynh, xã hội; đồng thời, đảm bảo tính công khai.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH) nhấn mạnh phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi. Theo ông Nam điều quan trọng là các đơn vị liên quan cần có các giải pháp nâng cao năng lực, trang bị kỹ năng cho các em tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam cũng đề xuất cần đẩy mạnh nêu gương người tốt việc tốt để nhân lên nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư trân trọng tiếp thu tất cả những ý kiến góp ý đầy tâm huyết của các đại biểu. Anh Lương cho biết, với những vấn đề, nội dung nào đặt ra thuộc trong vai trò nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư sẽ sớm được triển khai bằng những giải pháp cụ thể sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Bên canh đó, phối hợp một cách nhuần nhuyễn với các đơn vị, bộ ngành liên quan thực hiện tốt nhất việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Chiều cùng ngày, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong gặp mặt các cán bộ Hội đồng Đội T.Ư, cán bộ thiếu nhi các thời kỳ nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập thành Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2019).
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong bày tỏ sự tri ân với những đóng góp của đội ngũ cán bộ tham gia công tác Đội, thiếu nhi các thời kỳ; mong các đồng chí giữ gìn sức khỏe, tiếp tục có những chia sẻ, hiến kế cho công tác Đội, phong trào thiếu nhi ngày càng phát triển.