Tăng truyền hình trực tiếp để nhân dân giám sát

Tăng truyền hình trực tiếp để nhân dân giám sát
TP - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội có 10 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc sẽ truyền hình trực tiếp để cho cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng

Tại buổi họp báo trước kỳ họp chiều 20/10, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, kỳ họp thứ 4, Quốc hội XIV sẽ khai mạc vào 23/10, làm việc trong khoảng 26 ngày và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 24/11. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 11 ngày làm việc, cho ý kiến 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại các kỳ họp trước và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Trong đó có các dự án luật đáng chú ý, như: Luật Quy hoạch sửa đổi, Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng… Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tố cáo và Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng dành 15 ngày quyết định nhiều vấn đề quan trọng về ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước, xem xét quyết định một số dự án quan trọng liên quan đến sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cùng với đó, Quốc hội dành thời gian làm về công tác nhân sự, phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Việc này sẽ được Quốc hội thực hiện ngay trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp. Ngoài ra, Quốc hội sẽ giảm thời gian báo cáo và tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn kỳ lần này sẽ duy trì trong ba ngày, số lượng vẫn là bốn thành viên Chính phủ đăng đàn, nhưng sẽ kéo dài thời gian hơn, để cho đại biểu Quốc hội trao đổi, tranh luận dài hơn, sâu hơn.

“Quốc hội sẽ dành 10 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi”, ông Phúc nhấn mạnh.

 Không thể tự nhiên bãi miễn

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh, vừa bị kỷ luật cảnh cáo, và vừa qua cử tri Đồng Nai đặt vấn đề, liệu bà Thanh có còn tư cách đại biểu Quốc hội? Quốc hội có xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với bà Thanh?

Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Phan Thị Mỹ Thanh là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, bị kỷ luật cảnh cáo, các cơ quan chức năng đang xem xét, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội sau. “Vừa qua tôi nghe tin cử tri Đồng Nai có ý kiến về việc này. Tuy nhiên để xem xét bãi miễn đại biểu Quốc hội phải có quy trình chứ không thể tự nhiên bãi miễn được”, ông Phúc nói.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí đặt vấn đề về việc hạn chế báo chí tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như vậy có phù hợp với quy chế làm việc không, hiệu quả cũng như hạn chế của việc này ra sao? Về việc này, ông Phúc lý giải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực, chuẩn bị các nội dung cho Quốc hội.

Theo ông Phúc, tại các phiên thảo luận đòi hỏi thời gian thảo luận sâu, kỹ với nhiều vấn đề cần trao đổi. Việc này đã được xin ý kiến các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở Luật Báo chí để thực hiện. Ông Phúc cho biết, báo chí có quyền tham dự các phiên họp nhưng là khi được mời, chứ không phải tham gia tất cả các phiên họp.

“Đối với các dự án trình lần đầu, cần phải xin ý kiến sâu, nên cần hạn chế, thậm chí có nội dung không mời báo chí. Nhưng khi trình ra Quốc hội rồi, đương nhiên là công khai, không hạn chế báo chí”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các phiên họp kỳ này sẽ được tường thuật trực tiếp nhiều hơn, trong đó có nhiều nội dung lần đầu được trực tiếp, như vấn đề về ngân sách nhà nước, cần truyền hình trực tiếp để người dân giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước như thế  nào cho hiệu quả. Rồi vấn đề phòng chống tham nhũng, hay bình đẳng giới cũng đưa ra Quốc hội và được truyền hình trực tiếp.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.