Du lịch góp 3,2% trong tăng trưởng 6,7% của GDP
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2017 có gần 9,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (tăng 28,4% so với cùng kỳ 2016) và gần 58 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 376.000 tỷ đồng. Ước tính, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cả năm 2017 sẽ trên 13 triệu lượt. Ngành du lịch đang tạo hiệu ứng lan toả đến các dịch vụ khác, góp phần vào tăng trưởng GDP. Theo tính toán của cơ quan chức năng, du lịch đóng góp tới 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7%.
GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7% thì tăng trưởng kinh tế quý 4 phải đạt trên 7% và du lịch là một trong những ngành được kỳ vọng nhiều nhất.
Tuy nhiên, để ngành du lịch đột phá mạnh, GS Đào lưu ý cần giải quyết điểm nghẽn về logistics để phát triển du lịch liên ngành, liên vùng. “Khi logistics du lịch phát triển, có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ mới phát triển bền vững ngành du lịch”, GS Đào cho biết.
Cũng theo GS Đào, cơ quan chức năng cần quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các trung tâm logistics làm điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch, kết nối thuận tiện với hệ thống nhà ga, cảng biển, cảng hàng không. “Thực tế cho thấy, quốc gia nào có hệ thống logistics phát triển thì quốc gia đó có ngành du lịch phát triển. Ví dụ như Nhật Bản, Singapore, Đức, Hà Lan, Mỹ…”, GS Đào dẫn chứng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan quản lý cần thay đổi cách thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Chính thức tối đa thương mại tiểu ngạch qua biên giới, nhất là biên giới Việt – Trung. Đồng thời có kế hoạch và giải pháp đồng bộ để khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Theo đánh giá của CIEM, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn cần nhiều giải pháp thúc đẩy trong bối cảnh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trong cân bằng cán cân thương mại. Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và kéo dài. Nợ công tăng nhanh và gần chạm mức trần. Dư địa nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công chậm.
“Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm mới đạt 46,7% so với kế hoạch Quốc hội đặt ra. Để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tôi cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước”, ông Nguyễn Đình Cung cho biết.
Với giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, Chính phủ cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc…
TS Huỳnh Thế Du cho biết, các chính sách nên bảo đảm chữ tín và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kinh doanh.
“Để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tôi cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước”.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM