Tăng trưởng kinh tế hậu COVID: Bí quyết trở thành điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
Cảng Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng) vẫn cơ bản nhộn nhịp xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Cảng Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng) vẫn cơ bản nhộn nhịp xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên cả nước, một số tỉnh, thành phố (TP) vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa kịp thời thay đổi phương thức, cách thức bố trí sản xuất, xúc tiến, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả. Nhiều tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về tăng trưởng, từ tâm dịch thành điểm sáng kinh tế đã cho biết một số bí quyết khá riêng, độc đáo.

Thích ứng kịp thời, Hải Phòng về đích sớm

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021 TP Hải Phòng có những quyết sách vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. TP này đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hải Phòng 9 tháng đầu năm ước tăng đến 12,2% so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhóm công nghiệp - xây dựng (tăng 19%). Thành phố cảng thu ngân sách hơn 67.000 tỷ đồng (tăng 20%), chỉ sau TPHCM và Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 18,5 tỷ USD (tăng 25,52%).

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng phải thu hẹp sản xuất, chi phí phòng chống dịch tăng, dẫn đến doanh thu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số nộp ngân sách của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 3.200 tỷ đồng (tăng hơn 18%).

Tăng trưởng kinh tế hậu COVID: Bí quyết trở thành điểm sáng ảnh 1

Công nhân một doanh nghiệp chế tạo kết cấu thép xây dựng tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng. Ảnh: Phan Tuấn

9 tháng đầu năm, TP Hải Phòng thu hút hơn 2,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, đứng thứ 2 cả nước (sau Long An) về thu hút đầu tư nước ngoài. Công ty TNHH LG DISPLAY Việt Nam đã liên tục điều chỉnh tăng tổng số 2,1 tỷ USD vốn đầu tư và trở thành doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Tỉnh Bắc Giang xác định nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là bảo vệ thành quả chống dịch, đảm bảo môi trường an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội kéo dài. Trước tình hình đó, Hải Phòng đã tập phản ứng nhanh, chủ động đi trước một bước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Thành phố đã chỉ đạo các chốt liên ngành kiểm soát người và phương tiện ra vào tại các tuyến đường cửa ngõ nhằm phát hiện sớm, phân loại để cách ly, xét nghiệm với trường hợp nguy cơ cao. Đồng thời, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xuất hiện nhiều ca bệnh. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, ưu tiên tài xế, công nhân, lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ - du lịch, tiểu thương… nhằm từng bước mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thành phố đã kịp thời thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư, thích ứng với tình hình mới. Thay vì cử đoàn xúc tiến ra nước ngoài quảng bá như trước, nay công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được phát huy tối đa, linh hoạt, có trọng tâm. Nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, cải cách hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ”, “một cửa, liên thông”. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng sản xuất. Lãnh đạo TP đã dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn để kịp thời tháo gỡ khó, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai các dự án.

“9 tháng đầu năm, TP Hải Phòng thu hút hơn 2,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp, đạt và vượt kế hoạch cả năm. Điều này là minh chứng thuyết phục, khẳng định Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn, có môi trường đầu tư tốt”, ông Nguyễn Văn Tùng nói.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đơn vị đã: Phối hợp chặt chẽ với sở ngành và các quận huyện triển khai các biện pháp phòng dịch hiệu quả; thực hiện cải cách, tối giản nhiều thủ tục hành chính, tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của họ.

Bắc Giang từ tâm dịch thành điểm sáng

Ông Thân Đức Thế, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinahan, một doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ của tỉnh Bắc Giang thấy được sự thay đổi bất ngờ về hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch. Công ty của ông chuyên may xuất khẩu cho thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản với 4 cơ sở sản xuất đặt ở các địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Khi dịch bùng phát vào tháng 5, ông rất lo lắng. “Trong thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, công ty vẫn duy trì sản xuất với phương án “3 tại chỗ” (công nhân cùng làm, cùng ăn, ở tại công ty) theo yêu cầu của cơ quan chức năng để vừa sản xuất, vừa chống dịch nên chúng tôi không bị đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Thế cho hay.

Tỉnh Bắc Giang nhanh chóng kiểm soát và dập dịch thành công đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có công ty của ông phục hồi sản xuất. Ông Thế cho rằng, chính việc chống dịch hiệu quả của tỉnh Bắc Giang và công ty không bị ngừng hoạt động nên dù trong tình cảnh dịch COVID - 19 bùng phát, đối tác vẫn tin tưởng công ty của ông. “Hiện nay, doanh thu và đơn hàng cao hơn trước khi có dịch khoảng 30%. Doanh thu của công ty tăng lên 3 triệu USD so với trước khi xảy ra dịch”, ông Thế cho hay.

Cũng theo ông Thế, thời gian qua, đơn hàng của công ty ông tăng là do tình hình dịch ở Bắc Giang được kiểm soát tốt, bởi vậy các đối tác chuyển đơn hàng sản xuất từ một số nước ở Đông Nam Á về công ty. Hiện, công ty của ông đã ký kết đơn hàng đủ để sản xuất đến tháng 5 năm 2022. Do có đơn hàng nhiều và ổn định nên công nhân có việc làm có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, công tác phòng chống dịch hiệu quả của tỉnh này đã giúp các nhà đầu tư, nhất các doanh nghiệp FDI tin tưởng tiếp tục đổ vốn và mở rộng quy mô sản xuất ở Bắc Giang. Đến tháng 9, tỉnh Bắc Giang đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án (trong đó có 13 dự án FDI), cấp điều chỉnh 91 lượt dự án, với tổng vốn cấp mới đạt 594 triệu USD và 1.153 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư bổ sung đạt 140 triệu USD.

9 tháng đầu năm, TP Hải Phòng thu hút hơn 2,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, đứng thứ 2 cả nước (sau Long An) về thu hút đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Từng là tâm dịch cả nước, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng của tỉnh tăng 13,1 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là các tỉnh phía Nam bùng phát dịch nên các đơn hàng dịch chuyển về Bắc Giang và các doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô sản xuất. “Bắc Giang từng là tâm dịch, nhưng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế là do chống dịch tốt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân kinh doanh sản xuất”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, tỉnh Bắc Giang có sự chủ động để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Trong khi đang là tâm dịch của cả nước, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng ngay kế hoạch để phục hồi kinh tế. Ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang đóng cửa 4 khu công nghiệp vì dịch bùng phát; chỉ một tuần sau, tỉnh ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất cho các doanh nghiệp. Đến ngày 28/5, trong các khu công nghiệp đã có doanh nghiệp khởi động sản xuất trở lại. Sự chủ động giúp kinh tế tỉnh Bắc Giang không bị đứt gãy và tiếp tục đà tăng trưởng.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp rất bài bản, từ ban hành chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, phòng chống dịch, giao thông, tuyển dụng lao động.

Bắc Giang là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 30/9, giá trị giải ngân đầu tư công của tỉnh Bắc Giang đạt 4.343 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm 2021. “Mục tiêu từ giờ đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 7 %”, ông Sơn thông tin.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.