Ngày 27/7, người dân cả nước tổ chức nhiều hoạt động tri ân ngày thương binh liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
"Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội", ông Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, cao nhất từ trước tới nay.
Trợ cấp ưu đãi cho người có công cao nhất trong lịch sử. Trong ảnh, thương binh tham dự hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thư - thương binh hạng 1/4 với tỷ lệ tổn thương cơ thể 81% - chia sẻ, sau khi xuất ngũ được bố trí điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên tỉnh Hà Nam từ năm 1988 cho đến nay. Ông Thư đang hưởng mức trợ cấp ưu đãi người có công 6,3 triệu đồng/tháng.
"Từ ngàay 1/7, mức trợ cấp người có công tăng lên, chúng tôi rất vui vì có thêm trợ cấp để chữa bệnh. Việc tăng mức trợ cấp này sẽ giúp thương binh cải thiện mức sống. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”, ông Thư nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. |
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng.
Gia đình chính sách được nhận 110.000 sổ tiết kiệm với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, điều chỉnh 20.000 bia mộ ghi "Liệt sĩ vô danh", chuyển thành “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.