Tang thương Sêrêpôk

Tang thương Sêrêpôk
TP - Khoảng 22 giờ 15 phút ngày 17-5, tại cầu Sêrêpôk nằm trên QL 14 thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra tai nạn thảm khốc. Tính đến 17h ngày 18-5 đã có 34 người chết, hơn 21 người bị thương.

> Thứ trưởng GTVT vào hiện trường vụ lật xe khách

Thăm hỏi bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện
Thăm hỏi bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện.

Thời điểm trên, xe khách mang BKS 47V-2371 chạy tuyến Đăk Lăk - Sài Gòn (của HTX Quyết Thắng đóng ở km49, QL26 huyện Krông Păk, Đăk Lăk) chở hơn 50 hành khách, đang lưu thông theo hướng TP Buôn Ma Thuột đi TPHCM bất ngờ tông vào lan can cầu rồi rớt xuống sông Sêrêpôk.

Sau khi tai nạn xảy ra, hàng trăm người dân đã cùng lực lượng cứu hộ cạy cửa đưa những nạn nhân ra khỏi xe. Phía trên đường, các y bác sỹ đã chờ sẵn để sơ cứu rồi chuyển lên xe cấp cứu, nhiều nạn nhân được đưa lên trong tình trạng nguy kịch, số khác đã tử vong.

Việc cứu hộ trở nên khó khăn khi nhiều nạn nhân còn bị kẹt sâu trong chiếc xe bị bẹp, một nửa xe bị ngập nước. Từ trên cầu đến vị trí chiếc xe cao gần 20m nên hai chiếc xe cẩu loại vừa được điều đến không thể nhấc xe khách lên được nên việc đưa các nạn nhân ra gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng cứu hộ cùng người dân phải dùng xà beng, búa để nạy cửa xe hy vọng đưa được các nạn nhân ra nhưng bất thành.

Đến khoảng 0 giờ 20 phút ngày 18-5, chiếc xe cần cẩu lớn nhấc được chiếc xe lên. Lúc này, rất nhiều nạn nhân lần lượt được đưa ra ngoài, hầu hết đã tử vong, mọi nỗ lực sơ cứu đều vô vọng. Người dân và lực lượng cứu hộ dùng võng khiêng các nạn nhân lên đường.

Sau đó, các nạn nhân được đưa về nhà xác BV Đa khoa tỉnh Đăk Lăk để cơ quan chức năng làm các thủ tục để người thân đưa các nạn nhân về quê mai táng. Lúc này vẫn còn 3 nạn nhân bị kẹt trong xe không thể đưa ra, phải đến khoảng 2 giờ 20 phút, ba nạn nhân cuối cùng được đưa ra khỏi xe.

Đang được điều trị tại bệnh viện anh Trịnh Văn Mùi (SN 1979, ở xã Cư Prao, huyện Ma Đ’rắk) kể lại: “Chúng tôi lên xe vào lúc 6 giờ 30 ngày 17-5 tại bến xe huyện Ma Đ’rắk. Sau đó, xe chạy lòng vòng đón khách khoảng 30 phút và đến Km38 của quốc lộ 26 thì bị hỏng và 20 phút sau xe mới được sửa xong.

Đến khoảng 10h tối, khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng va đập mạnh và xe lăn xuống sông. Sau đó, tôi bị bất tỉnh và không nhớ gì nữa”.

Anh Trần Bá Tiến (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang được vợ chăm sóc trong trạng thái gãy cổ, trật cánh tay, thều thào: “Tôi đang mơ màng ngủ thì chiếc xe va chạm mạnh, sau đó xe rơi tự do và một tiếng động kinh khủng khiến tôi văng vào cửa kính, một phần cơ thể trồi ở ngoài. Còn phần thân thì mắc kẹt trong xe, tôi ngất xỉu. Khi tỉnh lại tôi thấy người ta đang cạy cửa rồi lôi tôi đi cấp cứu”.

Bệnh viện quá tải

Tại Bệnh viện Đăk Lăk, khoa cấp cứu được bổ sung thêm 20 bác sỹ trực của các khoa chấn thương chỉnh hình, khoa ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, bác sỹ X-quang, kỹ thuật sinh hóa kịp thời cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đại Phong cho hay, do số lượng bệnh nhân chuyển đến cùng lúc quá nhiều nên dẫn đến tình trạng quá tải ở khoa cấp cứu.

Tai nạn bất ngờ nên người thân của bệnh nhân không đến kịp khiến các nhân viên y tế phải vật lộn suốt đêm cho công tác chăm sóc, di chuyển bệnh nhân.

Việc mổ cũng phải chọn những nạn nhân cần kíp ưu tiên mổ trước, còn những người nhẹ hơn thì phải chờ bởi bệnh viện chỉ có 6 bàn mổ, bác sỹ phẫu thuật cũng có hạn.

“Từng nhiều năm làm việc ở đây, chưa lần nào tôi chứng kiến người chết và người bị thương một lúc nhiều như thế! Người này nối tiếp người kia, xe này rồi đến xe khác chở các nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị thương rất nặng ở đầu, chân, gan, ngực…”.

Bác sỹ Phong kể lại. Khoảng 2 giờ sáng 18-5, tại nhà xác bệnh viện, những hàng dài nạn nhân nằm kề bên nhau, xung quanh họ người thân gào khóc, vật vã.

Sáng 18-5, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đã đi thăm hỏi các nạn nhân, hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và 3 triệu đồng/người bị thương. Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ 1 triệu đồng/người chết và 500 nghìn đồng đối với người bị thương.

Ngoài ra, HTX Quyết Thắng hỗ trợ 2 triệu đồng/người chết, đồng thời cử nhân viên cơ quan đi thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn.

Hiện nguyên nhân xảy ra tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra.

Thương cô giáo trẻ

Trước sự ra đi đột ngột của hai chị em ruột Bùi Thị Thơ (24 tuổi) và em Bùi Đức Quyền (14 tuổi, trú tại thôn 13, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), vợ chồng ông Bùi Đức Thuận ngất xỉu rất nhiều lần.

Ông Lê Đình Lịnh, cậu ruột Thơ và Quyền kể: “Cha mẹ hai cháu khóc đến lả người, mê sảng, giờ nói cũng không ra tiếng. Cháu Thơ vào Sài Gòn để tái khám tai, luôn tiện thăm hai em gái đang học đại học trong đó, thằng Quyền nghỉ hè cũng xin đi chơi. Ai ngờ hai chị em ra đi cùng một lúc”.

Theo ông Lịnh, đến sáng 18-5, hai cháu trong TPHCM gọi điện về nhà báo đi đón chị và em trai ở bến xe nhưng không thấy. Khi người nhà gọi sang HTX Quyết Thắng mới hay tin xe gặp tai nạn, cả nhà tức tốc lên Bệnh viện Đa khoa Đăk Lăk thì hai đứa con đã qua đời.

Thơ hiện là giáo viên môn thanh nhạc Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, xinh đẹp, hát hay, có người yêu đã 4 năm, chuẩn bị tính chuyện lâu dài thì xảy ra chuyện.

Xe khách có hộp đen

Chiều 18-5, liên quan tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại cầu Sêrêpôk, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT đã cử Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn tới hiện trường thăm hỏi người bị thương, gia đình có người chết, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết vụ tai nạn.

Trao đổi với báo chí, tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Xe bị tai nạn đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan chức năng sẽ lấy thiết bị giám sát để xác định tốc độ và nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn”. Theo xác định ban đầu, điều kiện đi lại tại nơi diễn ra tai nạn không có gì bất thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.