Bà Vui không thể gượng dậy khi nghe vợ chồng con gái đều chết cháy . |
Chiều 12-9, PV Tiền Phong về thôn Thế Lộc, nơi có nhiều lao động nhập cư trái phép vào Nga để lao động trong các xưởng may trái phép do người Việt làm chủ. Lãnh đạo thôn Thế Lộc cho biết, đã nhận được thông tin chính xác có 3 người tại thôn chết trong vụ hỏa hoạn nói trên.
Ngôi nhà nhỏ của ông Phan Văn Diến, bố của nạn nhân Phan Hồng Phong, chật ních người đến thăm hỏi, động viên khi nghe Phong tử nạn.
Ông Diến gạt hai dòng nước mắt cho biết, khi xem ti vi thấy có vụ cháy xưởng may ở Nga có địa chỉ nơi Phong làm việc, ông gọi điện ngay vào số máy của Phong thì một đồng nghiệp nữ có tên là Mai (quê Nghệ An) cầm máy và nói là Phong đã chết cháy trong vụ hỏa hoạn.
“Cô ấy khóc và nói Phong bị chết ngạt nên vẫn nhận dạng được, còn những người khác thì chịu, vì bị cháy đen. Cô ấy được cảnh sát Nga cho vào nhận dạng và đang đứng bên cạnh xác con tui”, ông Diến kể.
Ông Diến cho biết, Phong sinh năm 1976, là anh cả trong nhà có 6 anh em. Đi bộ đội về, lấy vợ và ra ở riêng, hai vợ chồng Phong sinh được 2 con, vay mượn xây được căn nhà cấp bốn.
Việc đi lao động ở Nga, Phong không nói với ông vì sợ ông ngăn cấm. “Nó sang Nga điện về xin lỗi tui, rồi nói khi nào làm đủ tiền trả nợ làm nhà thì về. Nó đi đến giờ là hơn 1 năm, mới gửi về 30 triệu, chưa đủ tiền vé đi thì đã xảy ra chuyện”, ông Diến nói.
Cách nhà ông Diến chừng 200m là nhà của bà Nguyễn Thị Vui, có vợ chồng của con gái là Nguyễn Thị Hoài (SN 1990) và chồng Nguyễn Quang Thể (quê Thanh Hóa) đều là nạn nhân trong vụ hỏa hoạn.
Bà Vui cho biết, người làng làm cùng xưởng điện về khẳng định, khi vụ cháy xảy ra, hai vợ chồng Hoài đều có mặt trong xưởng may.
“Nó lấy chồng mà khổ lắm. Gia đình nhà chồng chỉ còn mẹ già, thuộc hộ nghèo ở Thanh Hóa. Hai vợ chồng nó vay mượn tiền đi Nga hi vọng cải thiện cuộc sống gia đình... Giờ thì hết rồi”, bà Vui nói trong nước mắt.
Lãnh đạo thôn Thế Lộc khẳng định, thông tin về 3 nạn nhân nói trên là chính xác, vì người làng này sang đó rất đông gần 20 người. Họ chủ yếu đi trái phép, sang làm cho các chủ xưởng người Việt bên Nga.
Phong trào đi Nga làm xưởng may bắt đầu nở rộ ở làng Thế Lộc đây 2 năm, tuy nhiên, đến giờ nhiều người vẫn chưa trả hết chi phí xuất cảnh vì lương quá thấp.