Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới. Hội thảo phục vụ xây dựng đề án tổng kết chỉ thị 40 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ảnh 1

Hoạt động tích cực dưới sự lãnh đạo của Đảng

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên, ông nói bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường, nhiều xu hướng mới xuất hiện đang đặt ra những yêu cầu mới với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội...

Do vậy, ông đề nghị cần phân tích, thảo luận, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị 40...

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cũng nhắc lại quá trình ra đời của ngân hàng. Riêng về tên ngân hàng, ông cho hay đã có "tranh cãi". Trong đó, có người nói để tên Ngân hàng Phục vụ người nghèo vì tên đã đi vào cuộc sống nhiều năm. Có người nói tên Ngân hàng Nhân dân, có người nói Ngân hàng Chính sách. "Nhưng chốt lại là Ngân hàng Chính sách. Trong đó, một là chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Còn với tên Ngân hàng Phục vụ người nghèo đi vào cuộc sống 7 năm nhưng tên đó cũng chưa được đón nhận.

Ông Thắng nhấn mạnh mô hình tín dụng chính sách xã hội là mô hình chỉ có tại Việt Nam và khi thành lập ngân hàng nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn. Vì nguyên tắc thị trường, một tổ chức tín dụng cho vay lãi suất dương, đi vay để cho vay, nhưng chúng ta cho vay lãi suất âm. Thậm chí, lãi suất 6% trong khi thị trường là 12% - 14%. "Ở đây, chúng ta đã vận dụng chính sách tài khóa và tín dụng. Cùng với đó, huy động thấp nhất, rẻ nhất, thậm chí không trả lãi, 168.000 tổ vay vốn sẽ làm việc với người dân, 10.426 điểm giao dịch xã… Một mô hình gần dân, sát dân, vì dân, tiết kiệm chi phí tối đa cho người dân. Điều này giúp gói hỗ trợ chính sách được triển khai nhanh chóng", ông Thắng nhấn mạnh thêm.

Vốn chính sách đến kịp thời

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng NHNN, Ban Lãnh đạo NHNN, các TCTD nhà nước đã rất tích cực đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, duy trì 2% số dư tiền gửi tại NHCSXH và mua trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, để ổn định, bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH trong triển khai thực hiện tốt các chương trình, tín dụng chính sách.

“Đến nay, hai nguồn vốn này chiếm tỷ trọng gần 60% trên tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để triển khai các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, NHNN đã kịp thời tái cấp vốn 0% để NHCSXH thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, bà Giang thông tin.

PGS.TS Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá có 9 điểm mạnh của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, tại thời điểm thành lập, rất nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, ADB đều đánh giá không cao mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng sau 30 năm, đã chứng minh đây là mô hình phù hợp và nhiều tổ chức quốc tế đã đến học tập Việt Nam. Một điểm mạnh khác là mạng lưới hoạt động rộng khắp. Đây là ngân hàng duy nhất ở Việt Nam có chi nhánh đến 99,99% số xã. "Có thể nói mức độ bao phủ của ngân hàng này đứng số 1 thế giới, không một ngân hàng ở quốc gia nào có được", bà Tâm nêu.

Tính đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%...

Ông Dương Quyết Thắng cho biết: Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

MỚI - NÓNG