Quang cảnh hội thảo |
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, kể từ khi Quyết định 1438/QĐ-TTg về hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng được ban hành ngày 29-12-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực về hoạt động này; đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Cùng với đó là các hoạt động: Xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật; tổ chức việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phúc lợi xã hội; tổ chức thí điểm các mô hình hỗ trợ các em tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật theo chức năng của ngành...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà những trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ em khuyết tật TPHCM |
Các hoạt động trên nhằm mục tiêu ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật.
Còn theo bà Anjanette Saguisag, Trưởng chương trình chính sách xã hội và quản trị, Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF), một mục tiêu chính trong công tác phối hợp của UNICEF và Cục Trẻ em là đánh giá sự tiếp cận của những dịch vụ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, thu thập dữ liệu, cùng nhau hành động vì một tương lai hòa nhập, thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.
UNICEF cũng đã tổ chức các buổi đào tạo và hàng loạt hội thảo tham vấn về xây dựng năng lực cho các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách để thực hiện tuân thủ Công ước về quyền của người khuyết tật và mục tiêu phát triển bền vững toàn diện, tạo ra một xã hội hòa nhập, không để bất kỳ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cùng trao đổi và thảo luận về nhiều nội dung, bao gồm: Thực trạng tình hình trẻ em khuyết tật và triển khai thực hiện Quyết định 1438/QĐ-TTg về hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; thực trạng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cho trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; giới thiệu về các mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.
Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật và đưa các nội dung liên quan vào các luật chuyên ngành, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm... Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn…
Hiện tại, vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm... Việc tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; các công trình xây dựng trước đây không được quan tâm cải tạo bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật. Người khuyết tật cũng khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao ở cơ sở. Hơn nữa, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, dịch vụ trị liệu tâm lý…