> Tết này tôi bán sức, ai mua
> Thành phố không đêm
Sau trận rét dài kỷ lục 38 ngày năm 2008, hai cựu quân nhân Mai Trọng Tuấn và Bùi Thế Viên nghĩ ra ý tưởng mang thóc giống vào miền Trung gieo rồi đưa mạ ra miền Bắc cấy.
Bằng kinh nghiệm phi công lão luyện mấy chục năm, các ông nắm rất vững chuyện dãy núi từ đèo Hải Vân chạy lên phía tây tới Trường Sơn là thành lũy chắn gió mùa Đông Bắc.
Các phi công gọi nơi đó là phòng tuyến giữa hai khối khí lạnh và nóng. Họ không quên mỗi khi qua vùng này, dù thời tiết tốt, máy bay vẫn bị rung lắc ít phút.
Ông Huỳnh Văn Thoòng, Giám đốc Cty Bảo vệ Thực vật An Giang, người luôn lấy lợi nhuận làm đầu, thấy tính toán “có vẻ có lý” bèn quyết định tài trợ thử nghiệm.
Dạo đó, năm 2009, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, làm thử. Đảng ủy, UBND xã và HTX Mai Đình cử Chủ nhiệm HTX Trương Quang Nhàn trực tiếp đem giống lúa vào gieo mạ ở Đà Nẵng, sau Tết nhổ chở ra Bắc cấy.
Kỳ lạ là không những chi phí không tăng so với gieo và cấy lúa tại chỗ, mạ mang từ miền Trung ra còn lớn thành cây lúa khỏe hơn, cho năng suất cao hơn. Phấn khởi, họ làm thêm hai đợt nữa đều cho kết quả tương tự.
Đem sáng kiến trình lên Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Họ cho người giám sát, phản biện và, quan trọng hơn cả, thừa nhận có sự khác biệt tích cực. Vậy mà từ bấy đến giờ, cơ quan quản lý không một lần hồi âm.
Bộ Nông nghiệp là một trong những cơ quan nhận được nhiều tài trợ và dự án nhất về ứng phó với biến đổi khí hậu vì đây là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết.
Hẳn ai cũng biết giá rét ở miền Bắc nước ta mấy năm gần đây ngày càng khốc liệt và bất thường. Ứng phó với tình trạng ấy, nước láng giềng phương Bắc của chúng ta có hẳn chiến lược chuyển vị trí trồng cây giống.
Một ý tưởng hay như vậy, lại có một doanh nghiệp phía Nam sẵn sàng bỏ tiền riêng chỉ để kiểm chứng thay cho các nhà nghiên cứu, vậy, nỡ nào để nó tan trong rét?