Tân sinh viên Học viện KTQS bị tạm giam như tội phạm nguy hiểm
Một vụ tai nạn giao thông với dấu vết va quệt giữa hai xe là hết sức “nhẹ nhàng” vậy mà sau đó, dù một mực kêu oan nhưng người bị cáo buộc gây tai nạn vẫn bị bắt vào trại giam nửa năm như một tội phạm nguy hiểm. Việc bị tạm giam đã khiến con đường học vấn của người này phải kết thúc sớm dù anh vừa thi đỗ Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS).
"Tàn đời" sinh viên vì bị tạm giam
Nhân vật chúng tôi đang đề cập đến là bị can Tô Văn Hỏa (SN 1989, ngụ thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), người bị bắt tạm giam hơn nửa năm nay tại Trại tạm giam số 1 - Công an TP.Hà Nội.
Thời điểm bị bắt (ngày 13/12/2012), Hỏa đang là sinh viên năm thứ nhất Học viện KTQS. Do bị bắt giam nên Hỏa đã không được thi môn nào, không có điểm nên không đủ điều kiện để bảo lưu kết quả học tập, dẫn đến bị buộc thôi học.
Thẻ sinh viên của Tô Văn Hỏa. |
Theo cáo buộc của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh và VKSND huyện này, Hỏa đã phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Khoản 1, Điều 202, Bộ luật Hình sự.
Nội dung cáo trạng thể hiện: Khoảng 17h30 ngày 13/8/2011, Tô Văn Hỏa (có giấy phép lái xe mô tô) điều khiển xe máy chở em gái là Tô Thị Hoan (SN 1992), lưu thông trên đường Nguyên Khê, hướng Quốc lộ 3 đi thôn Sơn Du (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh).
Khi đến đoạn Nhà văn hóa thôn Khê Nữ (xã Nguyên Khê), do thiếu chú ý quan sát, không chấp hành nghiêm ngặt hệ thống báo hiệu đường bộ (nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ), không làm chủ được tốc độ, xe mô tô do Hỏa điều khiển đã va chạm với xe đạp do ông Nguyễn Mạnh Nhí (SN 1941, ngụ thôn Khê Nữ) điều khiển sang đường, khiến ông Nhí tử vong.
Nhiều điểm bất thường
Cáo trạng là vậy nhưng qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy đây là một vụ án có rất nhiều điểm bất thường.
Thứ nhất, ngay chính hồ sơ điều tra của Công an huyện Đông Anh đã có những nội dung “đá” nhau: Trước khi tai nạn xảy ra, xe mô tô do Hỏa điều khiển đang đi cùng chiều với xe đạp của Nguyễn Mạnh Nhí (theo Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông). Vậy nhưng, hình ảnh dựng lại vị trí, tư thế, chiều hướng xảy ra va chạm giữa hai chiếc xe lại cho thấy hai chiếc xe này va chạm theo hướng... ngược chiều nhau (ảnh số 23, 24, Bút lục 196).
Chi tiết lạ này làm nảy sinh câu hỏi: Nếu cả sơ đồ hiện trường và hình ảnh va chạm (dựng lại) đều đúng sự thật khách quan thì không lẽ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, xe đạp của ông Nhí bỗng quay tít gần 180 độ ở giữa đường để có va chạm ngược chiều với xe máy do Hỏa điều khiển?.
Thứ hai, các dấu vết trên phương tiện không phù hợp với diễn biến va chạm được mô tả trong tài liệu điều tra. Theo Luật sư Chu Mạnh Cường, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can Tô Văn Hỏa, các cơ quan tiến hành tố tụng đã căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng để kết luận xe mô tô đâm vào đuôi xe đạp dẫn đến xe đạp bị đổ, văng về phía trước.
Bản ảnh trong tài liệu điều tra thể hiện hai xe di chuyển ngược chiều nhau khi xảy ra va chạm. |
Nếu theo lời khai của các nhân chứng đó, giữa xe mô tô và xe đạp buộc phải có va chạm đủ mạnh ở phía sau xe đạp thì mới có thể dẫn đến xe đạp bị văng về phía trước và đổ. Cùng với đó, trên xe mô tô và xe đạp phải có dấu vết đâm va chạm ở vị trí tương ứng của từng xe.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Biên bản khám nghiệm phương tiện cũng như các bản ảnh phương tiện đều không thể hiện có dấu vết đâm va trực diện ở phía đuôi xe đạp cũng như đầu xe mô tô?.
Đó là chưa kể các dấu vết trên xe mô tô và xe đạp được ghi nhận trong Biên bản khám nghiệm phương tiện đều không phải dấu vết bị đâm trực diện. Với các dấu vết này (xét cả về vị trí và mức độ va chạm) không thể dẫn đến việc “xe đạp bị văng về phía trước” như lời khai của các nhân chứng trên?.
Tại tập Bản ảnh dấu vết xe liên quan, cơ quan điều tra đã dựng lại vị trí, tư thế, chiều hướng xe mô tô và xe đạp khi va chạm để lại các dấu vết tương ứng trên các xe liên quan.
“Tuy nhiên, căn cứ vào sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông, lời khai của các nhân chứng liên quan về hướng di chuyển của các xe khi tai nạn xảy ra, chúng tôi nhận thấy hai xe không thể va chạm ở vị trí, tư thế như cơ quan điều tra đã “dựng lại” tại bản ảnh vì vị trí, tư thế va chạm này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp hai xe đi ngược chiều nhau”, Luật sư Cường nhận định.
Do khuôn khổ trang báo có hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những dấu hiệu bất thường trong công tác điều tra vụ án này ở những bài viết sau. Tuy nhiên, có một sự thật là từ lúc bị bắt đến nay, bị can Tô Văn Hỏa vẫn một mực kêu oan, vẫn sẵn sàng đánh đổi tất cả tương lai, sự nghiệp của mình để vững niềm tin vào pháp luật, kiên trì theo đuổi hai từ “công lý” thiêng liêng.
Có thể nói đây là một quyết định khó khăn đối với Hỏa bởi nếu anh ta “chấp nhận tội danh” ngay từ đầu thì với nhân thân “sạch sẽ” của bị can này, chắc chắn vụ án đã không kéo dài như vậy, có thể Hỏa đã không bị tống giam, có thể Hỏa chỉ phải nhận một mức án “nhẹ nhàng” bởi hình phạt quy định tại tội danh mà bị can này bị truy tố (Khoản 1, Điều 202 Bộ luật Hình sự) chỉ là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Theo Tả Minh
Pháp Luật Việt Nam