Tận mắt thấy rừng phòng hộ bị tàn sát

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chứng kiến cảnh rừng bị tàn sát. Ảnh: H. Văn.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chứng kiến cảnh rừng bị tàn sát. Ảnh: H. Văn.
TP - Trực tiếp thị sát khu rừng phòng hộ bị tàn phá và làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định để xảy ra vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan chức năng, buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm giữ rừng.

Rừng bị tàn sát mỗi ngày

Sau 4 giờ đồng hồ lội bộ đường rừng, băng qua nhiều suối, dốc dựng đứng, chúng tôi tiếp cận tiểu khu 557, chứng kiến cảnh rừng bị chặt phá không thương tiếc. Trước mắt chúng tôi, cả khoảnh rừng bị đốn hạ, trơ trụi. Những gốc cây lớn bị chặt trơ gốc, nhiều cây còn gãy đổ ngổn ngang. Cả khu rừng nham nhở vì bị đốt. Nhiều thân, gốc cây đã mục ruỗng, cũng có những gốc còn nhựa vì mới bị chặt phá.

Ông Hường Văn Minh  - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước phải thốt lên “quá đau đớn” khi chứng kiến cảnh này. Theo ông Minh, khu vực rừng bị tàn phá thuộc khu vực giáp ranh Bắc Trà My, địa hình khó khăn. Việc phá rừng ở đây chủ yếu được cho là để trồng keo. Tuy nhiên, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt nhiều nghi vấn, nếu chỉ trồng keo sao đối tượng phải vào tận khu rừng sâu, đường đi hết sức khó khăn, nếu xét về bài toán kinh tế thì vô lý. “Phải có điều gì đó đằng sau.

Đối tượng hẳn đã có tính toán rất tinh vi. Mục đích phá rừng ở đây có đơn giản là để trồng keo không trong khi đầu tư trồng keo tại khu vực này rất khó có lợi nhuận. Ông Thanh khẳng định có sự buông lỏng trong quản lý của cơ quan chức năng khi để xảy ra vụ việc. Hiện vẫn chưa có cơ sở để khẳng định có tiếp tay hay không nhưng cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và xử lý, tuyệt đối không có vùng cấm.

Tại tiểu khu 556, tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng không kém. Theo ông Phùng Văn Chính – tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, tiểu khu 556, có hơn 114 ha thì giờ chỉ còn được vài héc ta. “Rừng cứ bị chặt hạ từng ngày. Xót lắm, chúng tôi liên tục kiến nghị cơ quan chức năng nhưng cuối cùng cũng không giữ được rừng” – ông Chính nói. Ông Chính cùng 5 hộ dân khác nhận trông giữ rừng tại tiểu khu 556. Mỗi tháng ông cùng với các thành viên tổ chức tuần tra 1 lần, tuy nhiên mỗi lần đi đều bị đối tượng phát hiện, không hiểu lý do vì sao.

Tận mắt thấy rừng phòng hộ bị tàn sát ảnh 1 Hiện trường rừng phòng hộ tại Tiên Lãnh bị “tàn sát”. Ảnh: H.Văn.

Buông lỏng quản lý

Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, có khoảng 120 ha rừng phòng hộ bị tàn phá. Tuy nhiên ông Thanh yêu cầu cần rà soát lại để có con số chính xác.

Từ năm 2010 đến 15/9/2017, tại xã Tiên Lãnh đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất. Năm 2017, phát hiện 10 vụ vi phạm, thiệt hại hơn 24 ha rừng chức năng phòng hộ. UBND huyện quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho ủy ban xã quản lý 19 vụ/52,994ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra xử lý 25 vụ. Điều đáng nói, hầu hết các vụ khởi tố hình sự nhưng không có bị can.

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngoài yếu tố năng lực thì kiểm lâm địa bàn cũng có tâm lý ngại khởi tố hình sự vụ án, vì làm cho nhanh, cho xong việc. “Với cách làm như thế này thì sẽ còn tiếp tục mất rừng” – ông Đức nói.

Riêng với vụ phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 556, 557 cơ quan chức năng đã bắt được đối tượng Phùng Văn Bảy cầm đầu, hiện đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong vụ việc này thì Phùng Văn Bảy có thực sự là đối tượng cầm đầu hay cần phải làm rõ có ai đứng sau lưng, bởi chính ông Bảy cũng thuộc diện hộ nghèo, có thể cũng chỉ làm thuê.

Phó chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, để xảy ra tình trạng phá rừng có trách nhiệm của các cơ quan. Đối với huyện Tiên Phước, trước hết là BQL Trồng rừng huyện Tiên Phước có trách nhiệm, ký hợp đồng với các hộ giao khoán nhưng chủ quan, thiếu kiểm tra giám sát tuần tra bảo vệ rừng; công tác nghiệm thu thanh toán cho người dân rất chậm. Đối với lãnh đạo xã Tiên Lãnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý, công tác tuyên truyền, dân vận, nắm bắt thông tin chưa kịp thời.

“Khi các tổ quản lý bảo vệ rừng phát hiện báo về cho chính quyền địa phương thì lại chậm cử cán bộ cùng với kiểm lâm điều tra xử lý. Việc đó dẫn đến suy giảm lòng tin của người dân” - ông Thanh nói.

Đối với Hạt Kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn làm chưa đến nơi đến chốn, xử lý rất chậm, trong đó có một số vụ việc xử lý hành chính không đủ răn đe, không đúng bản chất vụ việc. Phương pháp tổ chức thực hiện của kiểm lâm địa bàn thì chưa tốt, hiệu quả không cao…

Trong khi đó, nhiều vụ việc đã khởi tố rồi nhưng không chuyển cho cơ quan công an để điều tra. Hồ sơ làm chưa chặt chẽ, thời gian kéo dài quá lâu, hiện trường thay đổi khiến công an phải trả về. Việc phối hợp với chính quyền địa phương còn hạn chế. Làm chưa hết trách nhiệm và đôi lúc rất hời hợt. Chính quyền địa phương chưa quản lý sát địa bàn, chưa chỉ đạo xử lý; Chi cục kiểm lâm chưa làm tốt công tác củng cố hồ sơ, khởi tố vụ việc…

Ông Thanh đề nghị công an khẩn trương khởi tố bị can trong vụ phá rừng tại tiểu khu 557. Xem xét tính chất vụ án có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý. Đây là vụ án điểm, mang tính răn đe. “Đề nghị tìm ra kẻ chủ mưu. Nhìn vào có thể thấy, những người dân nghèo không làm được mà phải có chủ mưu, phải là kẻ có tiền, có trình độ, có nhận thức”.

“Phải làm có trách nhiệm, xác định tổng diện tích thực tế hiện nay rừng bị phá. Bản chất vụ việc là gì?!” - ông Thanh chỉ đạo.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Cần nghiên cứu phương án sử dụng công nghệ cao, giám sát toàn bộ trạng thái rừng, sử dụng ảnh vệ tinh để quản lý bảo vệ rừng. Vấn đề này tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ chọn Quảng Nam làm thí điểm. Đây là căn cơ của công tác quản lý bảo vệ rừng.

MỚI - NÓNG