Hẳn những người làm MV Như lời đồn cho ca sĩ Bảo Anh muốn sản phẩm của mình bằng mọi giá phải được nhiều người biết mới dùng cái tên đó.
Thực ra MV này không chửi đời, không dung tục, trái lại cho thấy sự đầu tư công phu về nghệ thuật. Chỉ có cái tên làm tầm thường đi tất cả. Dường như nhu cầu đùa nhả của một lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay cao hơn trước. Từ bản thu mang tính chất chơi chơi, dù cũng phát hành trên mạng như Nắng cực (tác giả: Phạm Toàn Thắng) năm 2016, đến Như cái lò của Khắc Hưng đã là sản phẩm thương mại, quảng cáo cho các sản phẩm từ nước giải khát, điện thoại đến ứng dụng nhắn tin. Và giờ đây đến lượt cô ca sĩ khả ái Bảo Anh cũng muốn cùng Khắc Hưng lặp lại bài chơi nhây, cốt gây tranh cãi, rồi nổi tiếng, kiếm nhiều tiền hơn nữa.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn gọi cách đặt tên ca khúc Như lời đồn là “sự trơ trẽn” của những người “thích nói bậy nhưng không được nói hẳn ra”. Dương Cầm nói: “Nếu có quyền tôi sẽ cấm bài Như lời đồn”. Tất nhiên khả năng cấm một ca khúc với những lời lẽ thông thường như: “Em yêu anh từ trong tâm hồn, không quan tâm ai kia như lời đồn” (cụm “như lời đồn” tiếp tục được láy đi láy lại như để mời gọi khán giả chơi trò nói lái) là gần như bằng không, nhưng không phải vì thế mà cứ để mặc cho những thứ nghệ sĩ chuyên “đánh lận con đen” tung hoành kiếm chác mãi.
Rõ ràng đó là một cách làm nghệ thuật tháu cáy, trong đó kẻ chơi gian có thể sẽ dễ dàng vượt lên những người làm ăn chân chỉ. Thôi thì những người không ngại scandal cũng sẽ đạt được những kết quả tương xứng. Sẽ có một bộ phận công chúng chấp nhận họ. Cũng như nói tục, nói lái vẫn là một thứ văn hóa sống động trong đời sống hàng ngày.
Nhưng thiết nghĩ cần cân nhắc khi đưa những kiểu nghệ thuật, nghệ sĩ như thế lên sân khấu lớn, lên truyền hình quốc gia. Nó cũng giống như vào phòng tắm và ra đường khó có thể dùng chung trang phục. Cụ thể, Bảo Anh hiện đang làm HLV Giọng hát Việt Nhí. Vậy các trò nhỏ sẽ học được gì từ kiểu làm nghệ thuật “như lời đồn” của cô giáo?!